This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2007

Cái Búng



     Năm ấy tôi vừa qua tuổi 16, và lần đầu tiên trong đời, tôi đang yêu. Yêu cô bạn học. Có phải là quá sớm không?

Nhưng dù vậy, dù rằng còn thơ dại cả hai bởi nỗi ở tuổi ấy cả hai nào đã biết gì đời, tôi và Hiền vẫn một lòng yêu thương nhau say đắm, say đắm mà trong lành.

Không thể nhận ra khoảnh khắc đầu tiên của mối tình. Chỉ biết rằng sau mấy năm cấp ba cùng một lớp với nhau tới một thời gian nào đó chúng tôi chợt nhận thấy là cuộc sống của chúng tôi thuộc cả về nhau. Có bao nhiêu là cô gái trong lớp, trong trường và trong cõi đời này nhưng tôi chỉ thấy có một, chỉ một ánh mắt, chỉ một giọng nói, điệu cười, một vóc dáng. Và tôi cũng cảm nhận được rằng tôi là duy nhất mà Hiền cần, rằng Hiền chỉ yêu tôi thôi, tôi là của Hiền. Để có thể trọn đời bên nhau, chúng tôi cùng nhau nộp đơn xin vào khoa Hoá của Đại học Tổng hợp, mặc dù chỉ có Hiền là thực sự yêu thích và học giỏi môn đó. Nhưng không sao cả, tôi sẽ gắng. Trái ước nguyện ngành nghề một chút, song sẽ không bao giờ phải xa Hiền.

Những tháng cuối cùng của đời học trò trôi qua tuyệt diệu. Cả một trời bao la những hứa hẹn tốt lành mở ra trước mắt.

Hôm đó chúng tôi vừa thi xong môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Ai nấy thở phào. Chia tay nhau ở cổng trường, Hiền hẹn: "Tối nay chúng mình đi chơi đi anh. Em chắc là mẹ sẽ cho phép". Tôi sững sờ. Lần đầu tiên Hiền xưng em, gọi anh. Lần đầu Hiền hẹn hò buổi tối.

Tối ấy, chẳng những cho phép hai đứa đi với nhau, mẹ của Hiền còn thuận để hai đứa được cùng một xe đạp.

Trong niềm hạnh phúc lâng lâng, bổng bay, tôi đạp xe và tôi cảm thấy được không phải là sức nặng mà là sự mềm mại nhẹ nhõm, vẻ duyên dáng nhẹ nhàng của người con gái tôi yêu. Hẳn là bạn cũng biết đấy, ở cái tuổi 17 của chúng tôi hồi ấy người ta yêu nhau không hề gợn đục. Càng yêu nhau người ta lại càng trở nên không còn là những thân thể cụ thể đối với nhau.

Tuy nhiên, dường như chính sự thuần khiết ấy đã biến tình yêu ở tuổi đó thành mộng ảo, mong manh đến nỗi thường là không chịu đựng nổi dẫu chỉ là một cái búng thôi của sự đời.

Tối hôm ấy, giờ này qua giờ khác, hai đứa chúng tôi chở nhau lang thang trong thành phố. Đêm hè. Đường phố dần vắng lặng. Đèn đường rải rác, mập mờ bóng cây, bóng người. Dường như chỉ còn tiếng hai chúng tôi trò chuyện. Tôi nói với Hiền. Hiền nói với tôi, nghe tôi. Chúng tôi khẽ cười. Chúng tôi im lặng, rồi lại nho nhỏ cất tiếng.

Chợt, ngay đằng sau vang lên những giọng khàn khàn, những giọng rông rổng. Đang nói, Hiền lặng thinh. Tôi ngoái cổ lại. Gần chục chiếc xe đạp dàn hàng ngang đang áp theo chúng tôi. Những đốm lửa thuốc lá soi lên gồ ghề những bộ mặt. Tôi đạp mau, đám người đằng sau cũng đạp mau. Tôi chậm lại để họ vượt qua, họ liền chậm lại. Đường Hoàng Diệu vắng lặng, tối mờ và thật là dài. Còn xa mới tới ngã năm Cột Cờ.

Tôi chẳng biết xử trí ra sao. Cái lũ đang đeo dính chúng tôi không có ý đinh cà khịa, họ không gây sự, không giở trò côn đồ, họ coi như tôi không có, họ chỉ nhũng nhẵng theo Hiền. Họ ỡm ờ hỏi han những câu vớ vẩn, cợt nhả những lời trêu chòng trơ trẽn và không ngớt rộ lên cười khoái chí tán thưởng nhau.

Ngay cả những bậc lão luyện mà lâm cảnh này cũng phải cam lòng chịu nhẫn, huống hồ tôi. Đành im thin thít cắm cúi đạp. Hiền run rẩy nép vào tôi. Có lẽ cũng như tôi, Hiền đang thở không ra hơi. Sợ hãi và hổ thẹn tê điếng cả người.

Tuy nhiên chúng tôi không phải chịu đựng lâu. Đám anh chị nhanh chóng mất hứng trước sự im lặng nhẫn nhục của đôi thiếu niên con nhà lành. Bực mình và chán ngấy, họ bỏ cuộc, tất cả dừng xe lại.

Tôi vội đạp dấn lên. Tim nện thùm thùm. Được một quãng xa, đạp chậm lại, tôi gắng trấn tĩnh, lấy lại hơi thở và băn khoăn tìm lời an ủi Hiền. Không ngờ lại có tiếng đạp rào rào đuổi lướt tới. Nhưng lần này chỉ một tên trong bọn rượt theo chúng tôi. Lên ngang xe tôi, y áp cà vào. Một gã to con, vai rộng, quần soóc bò, áo phông, đầu húi cua, xe đạp đua. Tôi nén sợ, đạp từ từ, thủ thế.

- Ê! - Gã nọ ghé mặt vào sát mặt tôi. Tuổi gã chừng ba mươi hơn, gò má cao, hàm rắn câng, râu quai nón, giọng rất trầm - con bé của mày nom ngon quá. Thịt thơm và chắc phải biết, đúng không?

- Gã nói từ tốn, đủ nghe.

Tôi tái người.

- Này! - Gã vỗ vai tôi - thế hai đứa chúng mày đã... nhau chưa?

Uốn lưỡi, nhả hết liều lượng của cái động từ động đực ấy vào mặt chúng tôi, gã đàng hoàng lượn xe lại, phóng đi.

Xây xẩm mặt mày, chỉ chút nữa là tôi đánh đổ xe. Tôi và Hiền đứng lặng đi rất lâu trong khúc đường tối, không nhúc nhích, không nhìn nhau, không nói nổi với nhau nửa lời.

Khi về đến trước nhà, Hiền xuống xe, lý nhí nói gì đó, rồi lùi lũi đi vào cổng. Tôi quay xe, đạp nhanh về nhà.

Mối tình từ đó rơi hẫng. Chúng tôi tránh mặt nhau. Tôi thi và đỗ vào Tổng hợp Hoá. Còn Hiền, Hiền rút đơn, không thi vào Tổng hợp nữa mà thi vào trường khác.

Thậm chí nhiều năm sau gặp lại ở ngày hội lớp, chúng tôi vẫn tránh ánh mắt của nhau. Hiền mỉm cười gượng gạo. Tôi thì vội nhìn lảng đi, thái độ trở nên ngượng ngập khó chịu, bởi vì không thể nào khác được tôi lại nhớ đến cái động từ ghê tởm đêm ấy, và tôi biết rằng nó cũng đang dội lên trong tâm trí Hiền.

Chuyện như vậy chắc là bạn thấy khó tin? Nhưng tôi như thế thật đấy. Và tôi nghĩ chẳng riêng tôi, bạn cũng vậy thôi, thỉnh thoảng bạn vẫn vướng phải những chuyện mà người khác chẳng buồn để tâm nhưng bạn lại xúc động sâu xa, bạn không thể quên, như là một vết tự thương cứa sâu vào lòng, khó bề chữa khỏi. Ấy là những nỗi đau vô cớ, những bất hạnh mơ hồ, những đắng cay chua xót không đâu, những nỗi nhục, những mặc cảm không có duyên do, không tài nào ai hiểu nổi vẫn thường đầy rẫy trong cuộc đời mỗi người.
130

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Ăn mừng



Bữa nay cụ Phán Uyên, đã được hiểu rõ cái gì là cái vinh quang, những đồ mừng quý giá, những tấm câu đối đỏ treo la liệt khắp tường, đã đủ an ủi về số tiền bỏ ra. Cái cảnh "ăn uống ầm ầm" hai hôm nay không khiến cụ sốt ruột nữa. Đọc những chữ chúc mừng rất văn chương bằng dạ đen trên nền đỏ, cụ mới khám phá ra rằng: chao ôi thì ra mình xưa nay vẫn có nhiều đức tính mà chính mình không biết, để mà sướng như một kẻ chết được lắm câu đối khóc có thể được thỏa cái vong hồn... Thật là linh đình, và vui vẻ. Thật là vinh dự cho tổ tiên.

Trong hai ngày ăn uống thì hôm qua để cho họ hàng và con cháu trong nhà. Chính hôm nay mới là để mời khách ở tỉnh. Đây, bàn các bạn đồng sự của cụ, phần nhiều là nhà nho, số đông đã có nhiều phẩm hàm, huy chương. Tô điểm cho dăm đám người ấy có một quan Bố và một quan Phủ, họ bên nhà vợ của cụ, và đã làm cho cụ tăng thêm sĩ diện. Kia là bàn các ông cũng tai to mặt nhớn thuộc tân học, bạn hữu của "anh tham" nghĩa là vào hàng con cháu cụ mà thôi. ở buồng xép bên cạnh thì các cô đốc, cô giáo, bạn hữu của con gái cụ vậy. Ai cũng về dự tiệc vui vẻ và đông đủ. Thì phải biết cái cách xử thế xưa nay cụ là tròn trĩnh thế nào! Một khi cụ đã về làng thì cũng phải thế nào cho đẹp mặt với người làng! Khách tỉnh về tới tấp hết lượt này đến lượt khác, phần nhiều bằng xe nhà, và có cả hai chiếc xe hơi đỗ ngoài cửa đình nữa! Nghĩ như thế, cụ lại kiêu ngạo như một đứa bé con...

- Chúng mày đâu cả rồi! Rõ thế đấy! Ngần ấy con người để sai bảo mà gọi lấy thêm có một ít dấm nữa cũng không đứa nào đi lấy được đấy!

Lời gắt của cụ lẫn lộn mất vào tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng phách... Cụ nhìn trước nhìn sau, lắc đầu thở dài... Vì có ba tên người nhà thì hai đứa đương bưng những bát cỗ mới hâm cho những bàn ở xa, còn một đứa thì đương chới với, buộc bánh pháo dài vào ống máng. Cụ toan tiến bước xuống phía nhà bếp thì chợt một bàn tay nắm cụ lại, trước một câu nói sốt sắng thế này:

- Cụ ơi, cụ hãy vào đây với con!

Đó là một khách trẻ tuổi, mà cụ không nhớ rõ tên, âu phục chải chuốt khiến cụ kính nể lắm.

- Con tấp tểnh cũng làm được một bài hát để mừng cụ, chẳng biết hay dở như thế nào, xong cũng xin mạn phép các quan khách đây một phen...

Người ấy mời cụ ngồi xuống ghế, đưa ra một bài thơ bằng mực đen giấy trắng, lại nhét luôn cả cái dùi trống vào tay cụ nữa, nói tiếp:

- Bài hát mừng cụ thì xin cụ thưởng thức mấy tiếng trống cho chúng con cùng nghe.

Thẹn quýnh cả người, cụ Phán Uyên đẩy cái trống ra, ấp úng:

- Văn chương của ông... thì xin... để phần ông, vì thật tình, tôi cũng không biết đánh trống cô đầu.

Rồi cụ giương mục kỉnh lên đọc bài hát nói ấy; xong mỗi câu lại thấy mặt cụ vui tươi thêm lên. Sau cùng, cũng không biết bình phẩm dài lời, cụ chỉ đưa trả tác giả bài hát với cái dùi trống và từ chối:

- Hay lắm! Nhưng mà tiếc rằng tôi không biết đánh trống, để xin ông cho nghe... Văn hay lắm!

Khi đưa cho đào nương mảnh giấy, cụ rất hổ thẹn, thấy rằng mình quê mùa một cách đáng giận, và thú ả đào quả thật là một thứ văn chương tao nhã thật, chứ không phải chỉ là những trò bậy bạ như người ta vẫn nói xưa nay.

Cố nhiên, tác giả những câu hát nói kia nhất quyết chối từ. Cuối cùng, danh dự thưởng văn về tay người cao chức nhất bàn tiệc, là quan Bố Chánh, ông anh họ nhà vợ của cụ chủ. Quan Bố gọi cụ Phán đến ngồi bên mình, rót một cốc rượu nhỏ để trước mặt cụ, giao hẹn bằng một thứ tiếng đồng sang sảng, nghiêm nghị và đáng sợ như những lệnh ban ra giữa công đường:

- Đây, cứ mỗi tiếng chát thì ông lại cạn một cốc rượu, vì mỗi tiếng chát của tôi không những là thưởng một câu văn mà thôi, nhưng còn đồng ý với tác giả để ca tụng cái cảnh phú quý, an nhàn của ông nữa.

Mọi người vỗ tay, rồi có đến hàng mấy chục người nữa vỗ tay theo. Bên buồng xép ở tận trong kia, đám phụ nữ cũng bỏ đũa bát để đứng thấp thoáng trong mành nhìn ra, chú ý đến cái đại sự ấy nó làm tăng phần trang trọng cho cuộc vui tuy vậy trước vẫn tẻ ngắt. Cụ Phán Uyên xoa tay xin lỗi một cách hiền lành đáng tức cười:

- Bẩm, mỗi tiếng chát lại một cốc rượu thì có lẽ cũng nhiều quá, vậy xin cho xong bài thì hãy cho một cốc.

Tuy có một vài cụ phản đối lại cụ phán để về bè với quan Bố nhưng sau cùng các quý khách cũng biết nể cái sức khỏe của mái tóc hoa râm. Rồi thì cô đào e hèm dọn giọng, rồi bác kép vặn lại dây đàn, rồi quan Bố tom tom tom cho khách ngừng đũa lắng tai nghe để trở nên một cử toạ nghiêm chỉnh.

Cành mai hạc đậu thêm xinh,
Bốn mươi năm nữa, khang ninh còn dài,
Ngày xuân cảnh thế tươi cười,
Đào nguyên há để riêng người ngày xưa!
Gia nhân chinh cát,
Trên tiệc đào kẻ trước dắt người sau...
Cuộc trăm năm trời có hẹn ai đâu?
Con hạc trắng bấy lâu về bến Nhuệ,
Mai cốt cách mai già mai vẫn thế
Đào nhởn nhơ đào thắm vẻ thêm xuân.
Lắng tai nghe tiếng chúc lẫn cung đàn,
Cất chén cúc mừng người trên thọ tịch,
Khách bạch ốc nào ai tiên trích
Xin dang tay "giật phịch" quả đào tiên...
Cõi trần cũng có Đào nguyên.

Quan Bố ngất ngưởng đánh luôn: tom tom tom chát tom!

Đoạn cụ gật gù nói rõ to:

- Hay thật đấy chứ! Văn chương như thế mới gọi là tân thời... "Xin dang tay giật phịch quả đào tiên". Thế có lẳng lơ không? Chuyến này thì cụ phán nhà tôi sẽ vì câu thơ ấy mà cải lão hoàn đồng!

Quan Bố ngừng một lát, trông trước nhìn sau, rồi vẫy tay gọi một cô trong bốn cô đào rượu mải tiếp cho các quan khác gần đấy:

- Này, cô kia! Cô áo đỏ kia! Lại đây đỡ hộ chén rượu cho chủ nhân cạn hộ đi.

Khi cô đào trẻ tuổi đến đứng bên cụ phán, bẽn lẽn nâng cốc rượu thì nhanh như cắt, quan Bố đã nắm lấy một bên cánh tay cụ phán mà quệt một cái vào ngực cô ả, để rồi cười nức nở cắt nghĩa:

- Này thì đây: xin dang tay giật phịch quả đào tiên! Các ngài đã thấy chưa?

Lúc ấy cụ Phán Uyên đương mải hớp chén rượu, cho nên khi cụ vội lôi được tay ra, cái cử chỉ bó buộc kia cũng đã xong hoàn toàn. Cụ thẹn đỏ cả mặt, sung sướng, đến ứa nước mắt, vì lúc ấy, cử toạ khen cụ sốt sắng như khi họ đi xem đá bóng mà gặp lúc có quả vừa sút vào gôn. Cụ vội vàng đứng lên chạy tuy không biết định chạy đi đâu, như người muốn đi trốn. Sau cùng, cụ đánh trống lảng bằng cách gọi đầy tớ ra mà mắng:

- Lấy thêm ít dấm tây vào bàn này! Sao mày đốn thế, mày để tao gào rát cả cổ!

Tuy nhiên giọng gắt của cụ thật tình lúc ấy cũng không dữ tợn là mấy, vì cụ vẫn còn thấy rõ cái cảm giác dịu dàng về một bên ngực cô đào trẻ nó chưa tiêu tan hẳn mà lại còn như đọng quyện lại ở cả năm đầu ngón tay già nua đã mấy chục năm rồi chẳng còn biết gì là mùi xuân.

Chợt thấy quan Phủ gọi cụ rồi nói một hồi dài:

- Này chủ nhân ơi! Nhà nho là thâm lắm đấy nhé! Thôi xin các ngài cũng đừng ai nỡ ép duyên ông anh tôi nữa. Ông anh tôi đã trình bày cái cảnh ngộ éo le, khó xử, của ông anh tôi, ra với thiên hạ rồi! Đấy các cụ xem: quan Bố tôi vừa mới ép duyên xong thì ông anh tôi tức khắc gọi người nhà lấy thêm dấm. Chao ôi, thế thì ông anh tôi đã đủ thâm trầm hay chưa? Vì rằng trong Kiều có câu: Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng!

Rất nhiều người lại vỗ tay ran, cười to đến vỡ nhà vỡ cửa. Một cụ bảo cô đào non áo đỏ:

- Này em ơi, thôi thế thì em cứ cam chịu ở trầm luân khổ hải thôi chứ người quân tử chẳng vớt em đâu!

Một người trẻ tuổi đứng lên nói:

- Thưa các cụ trăm điều chẳng qua chỉ tại tác giả cái bài hát nói ấy.

Ông khách âu phục trẻ tuổi từ nãy ngồi lặng im vừa thẹn vừa kiêu ngạo về cái bài văn của mình, đương lắng tai nghe xem có ai thì thào chỉ trích gì không, bấy giờ đành phải đứng lên, đón đỡ:

- Bẩm các cụ, chúng tôi không ngờ rằng cụ Bố tôi đây ngài lại hiểu bài văn ấy một cách kỹ đến thế để mà đem lý thuyết thực hành ngay như thế.

Quan Bố cười khà khà, lên râu bảo thiếu niên:

- Thế thì đôi ta tri kỷ lắm chứ còn gì nữa! à quên, xin các cụ thưởng một cốc cho tác giả bài văn hữu tình. Chị áo đỏ đâu, chị lại mời ông ấy cho tôi một cốc nữa.

Lại vỗ tay...

Nhưng chợt một ông khác, cũng trẻ tuổi, mặt đỏ nhất tất cả, đứng lên trịnh trọng nói:

- Bẩm trên các cụ, dưới các ông...

Mọi người giật mình lắng tai nghe biết là sắp có chuyện. Ông kia tiếp:

- Quan Bố chánh thưởng tác giả bài hát nói ấy cốc rượu là vì nó có tính cách hữu tình. Tôi cũng xin hoan nghênh. Nhưng mà xong rồi thì tôi xin các cụ và các ông cho tôi phạt nhà thi sĩ ấy ba chén vì đó là một nhà thi sĩ tham lam! Vì sao? Vì cụ phán nhà tôi đây bữa nay chỉ có khánh thành nhà mới thôi, vậy mà bài hát mừng có câu mừng cả tiệc thượng thọ nữa, thì, cái lối "tiện dịp" như thế là có hại cho tôi, vì sang năm đúng sáu mươi mà cụ phán tôi không khao thượng thọ nữa thì là lỗi ở nhà thi sĩ ấy. Vậy thì phải phạt.

Tác giả bài hát nhìn quanh một lượt thấy trong dăm chục quan khách có một số đông gật gù biểu đồng tình với ông phản đối kia, thì rất lấy làm lo, bèn cãi:

- Tôi xin uống ba chén rượu ông phạt! Nhưng nếu sang năm cụ Phán tôi lại khao thượng thọ nữa, thì ông sẽ đáp tôi ra sao? Và có lẽ ông chưa nghe kỹ bài hát!

Ông kia gân cổ lên, hùng hồn chẳng kém:

- Tôi cho ông phạt trước tôi ba chén nữa, sau khi ông uống ba chén mà các cụ phạt ông!

Nhiều người lên tiếng xôn xao, không chịu nhận trách nhiệm về ba chén rượu phạt ấy, ông kia lại nói:

- Sao tôi lại chưa nghe kỹ! Ông chả có câu: "Cất chén chúc mừng người trên thọ tịch" là gì! Vậy ông thử đọc tất cả câu đối đây xem có ai mừng thọ tịch không?

Có một người cãi hộ:

- Nhưng mà thọ tịch ở đây là ý phụ không phải ý chính!

Tham Châu vỗ vai ông kia, khẽ gắt:

- Thôi đi, tôi van ông nữa, ông đừng gây sự thế! Ông say lắm rồi! Và ông uống ít chứ!

- Thưa chú, tôi chưa say, và trước mặt công chúng thế này, xin chú đừng mắng tôi! Chú còn là đàn em biết chưa!

Ông ấy vừa nói được có thế thì đã đưa tay lên giữ cổ, khòm lưng xuống, rồi nôn ồng ộc ngay ra đấy như một cái ống máng! Thiên hạ ghê tởm quay nhìn đi chỗ khác và nhà thi sĩ thì khẽ so vai một cái hả hê. Đầy tớ mau quét dọn, trong khi Tham Châu nhăn nhó ôm xốc ông quý khách ấy vào bàn đèn thuốc phiện:

- Các ông mau tiêm cho ông ấy một điếu cho giã rượu... Rõ khổ quá, cứ uống như một cái phễu!133