This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2007

Mười giờ



Cây sweet pea — người Tàu gọi là đậu tuyết hay đậu xạ hương gì đó — màu sắc thật là sặc sỡ. Ở đây người ta chỉ trồng lấy màu, lấy hoa, lấy hương (xạ hương?). Người láng giềng gieo hạt hồi mùa đông, đầu xuân đã có hoa nở rộ trên hàng dậu ngăn cách hai khoảnh vườn. Tháng ba dương lịch, bà láng giềng thông báo cho ông về chuyện phá lũ dây đậu để gieo hạt anh túc. Cũng lại một hoa sặc sỡ nữa. Bà ta có cái thú làm nở ra những đóa hoa cánh mỏng dính có sắc màu lòe loẹt. Bà ta dự tính như thế, ông tán thành ngay. Mà hình như lũ bướm cũng tán thưởng lắm.

Ông lạc mất trang sách từ lúc nào không hay. Tay vẫn cầm hững hờ cuốn sách, nhưng mắt ông đã rời chữ. Xung quanh ông, khắp phòng, ánh sáng ùa vào nhiều quá, ùa vào tràn trề. Hai mặt phòng có nhiều cửa gương lớn, phòng ông vào giờ này là cả một niềm hân hoan.

Mấy hôm gần đây kể như hôm nào cũng vậy, rốt cuộc rồi cũng đến thế thôi: ông bỏ sách, loay hoay tìøm một mảnh giấy, một cái gì để cài vào làm dấu trang sách nhưng không tìm được, ông đành úp mặt cuốn sách xuống thảm. Rồi ông nằm ngẩn ngơ trong ngôi nhà sáng choang. Rồi ông ngồi dậy đốt một điếu thuốc, khói xanh tỏa chầm chậm qua những tia ánh sáng. Rồi ông mở cửa bước ra hiên. Ông trở vào pha cà-phê uống. Ông mở cửa ra vườn sau, nghếch mặt nhìn nghiêng nhìn ngửa, đến bên cây này cây nọ, lại nghếch mặt nhìn đàn sáo đậu trên dây điện, nhìn con quạ trên cây thông sau lưng căn nhà trên ngọn đồi bên kia đường, có khi nhìn lên trời xanh trống không. Rồi ông bước đến đứng một lúc dưới bóng cây long não. Rồi ông cảm thấy mình lơ ngơ, không có việc gì giữa ngôi vườn vắng vẻ, ông lại vào nhà, ông đốt một điếu thuốc nữa v.v... Ông nằm xuống, cầm lấy cuốn sách. Một lát, ông lại nhổm dậy, úp sách xuống mặt thảm. “Căn phòng này coi bộ sáng quá, sáng dữ đa!”. Ông nhìn qua cửa kính, theo dõi lũ chim hải âu từ đâu ngoài bãi mới kéo vào khu phố này, lượn thấp trên các mái nhà, sà cả xuống mặt đường. Ông đứng lên, mở cửa, bước ra hiên xem hải âu chúng nó làm gì! Xem ra chúng cũng chẳng làm gì đáng kể: không ăn không uống, không tìm sâu tìm hạt gì, chúng chỉ bay lên bay xuống, lượn đi lượn về rà rà khắp xóm vậy thôi. Có con đậu lên một chiếc tán đèn bên đường, một con hải âu xám trên chót đỉnh một cột đèn, đậu và phóng uế, xong lại bay đi, vậy thôi. Rồi ông nhìn sang hai con bướm chờn vờn trên hàng dậu sweet pea. Bướm nó bay, hay nhỉ, nó không bay thẳng từ nơi này đến nơi khác, như không cốt bay để đến; nó bay như nhảy như múa, như đùa như giỡn mà chơi. Một lát, tự cảm thấy thừa thãi trước hiên, ông quay vào nhà, sửa lại chiếc gối, ghé nằm xuống, cầm cuốn sách lên, xem đồng hồ: Thế mà đã mất khối thì giờ!

Gần như hôm nào cũng vậy. Đến một lúc nào đó, ông chợt để ý và tự hỏi: “Có gì vậy cà?” Hồi gần đây có gì xảy ra? biến cố gì vậy?” Kiểm điểm mãi, cũng thấy ra biến cố: Mười giờ.



Mười giờ là một biến cố. Đáng lẽ ông đã biết từ lâu, vậy mà không hiểu tại sao ông lại lú đi, chẳng chịu thấy. Mười giờ sáng; trời đất vào cái giờ ấy, nó lạ lắm. Bây giờ nhớ lại thì ông đã nhiều lần khốn khổ vào cái lúc mười giờ. Hồi nhỏ, ngày ngày ngồi trong lớp học, mỗi buổi mai vào khoảng mười giờ, thỉnh thoảng hoặc một con chim bay ngang qua cửa sổ kêu đánh “chéo” một tiếng nhỏ, hoặc mấy đứa chăn trâu đùa giỡn với nhau ngoài đồng để lọt vào tai ông mấy tiếng léo nhéo, hoặc tốp lính kéo đi rộp rộp ngoài đường v.v..., thế là ông trông ra cái nắng tưng bừng bên ngoài và lạc mất tiếng thầy giảng một lúc lâu, thần trí vẩn vơ mãi đâu đâu.

Ngày nhỏ lơ đãng trong lớp, lớn lên ông lơ đãng ngay tại nhà. Cứ mười giờ mai, vào giờ nắng ráo, ấm áp, là như thế. Cứ như có ai kêu ai réo ở ngoài trời. Cứ như có hội hè ầm ĩ linh đình, có trống thúc cờ reo giục giã khẩn cấp ở ngoài. Nằm không yên, ngồi đứng không yên.

Giá mà lúc ấy ta xô cửa, bước ra ngoài, bắt gặp quả tang “cái mười giờ”, nhìn tận mặt nó một lúc thì rồi cũng nguôi ngoai. Rồi thấy mình lơ ngơ thừa thãi. Rồi cũng đến trở vào nhà thôi. Nhưng nằm lì trong nhà, ngồi lì trước bàn viết, nắm mãi cuốn sách trên tay, thì khổ sở đa!

Mười giờ, ngoài trời có gì vậy? Thì trời xanh vậy thôi. Thì mây trắng tơ tướt ngang trời vậy thôi. Nhưng trời xanh thao thiết mênh mông vào lúc mười giờ, tưởng chừng nó có cái hấp lực hút bật dậy những thây ma. Những xác chết nhập tràng chồm lên dưới một tác động ma quái.

Ma quái chứ. Mở cửa ra, vẫn chỉ có trời xanh, có cây xanh, có ánh nắng nhấp nháy trên lá xanh, mọi sự y nhiên, như xế hôm qua, như trưa hôm trước, như sáng hôm kia, như một ngày năm ngoái, năm kia... Nhưng mà không! Mười giờ hôm nay, vào giờ phút này, tưởng chừng nó đập gõ khua ầm lên trước cửa mình vậy. Mỗi hôm nó mỗi quấy động, nó luôn luôn mới, luôn luôn bất ngờ, nó là biến cố hàng ngày. Hôm nào mười giờ cũng làm mình rạo rực, nao nức, như là một Mười Giờ đầu tiên buổi khai thiên lập địa. Mười Giờ nào cũng là một Mười Giờ hoang sơ. Khu phố có thể tha hồ vắng vẻ, cứ mười giờ là tưởng chừng có hội hè tưng bừng: Mười giờ ngoài cửa, nó là một im lặng ầm ĩ, huyên náo, chát chúa.

Hoa có thứ hoa giờ tí có thứ hoa giờ ngọ, hoa tự do chọn lựa giờ giấc. Thứ hoa chọn lúc khuya khoắt vắng vẻ như hoa quỳnh, nó tha thồ đơn độc, ẻo lả, kiều mỵ. Còn hoa mười giờ không thế. Nó là hoa bầy hoa lũ. Là thứ hoa đồng khởi. Nó dậy lên, đứng lên cùng lượt, rực lên chói chang. Nhất hô bá ứng: Mười giờ cất tiếng gọi, từng từng lớp lớp điệp điệp trùng trùng hoa nọ liền đứng lên giữa trời. Không có ai mang hoa mười giờ vào phòng, vào những căn phòng nhỏ hẹp, để cho những ông cụ già móm mém vừa nhắp từng hớp trà vừa “thưởng thức”. Hoa mười giờ phải nở giữa khoảng rộng, dười trời bao la.

Đã mười giờ lại mười giờ sáng một ngày xuân, thôi thì khỏi nói. Đám dạ lý hương bên hè phát triển mạnh quá, lấn tràn vào cửa, mùa đông vừa qua ông đã phát bớt đi quá nửa lùm. Những gốc dạ lý hương bị đốn tưởng đã chết khô, bẻ gãy rôm rốp. Thế mà sang xuân bỗng thấy mầm xanh phọt lên. Lại nhớ có lần trong đống củi xếp sau hè thỉnh thoảng lại có cành bắn mầm nứt lá non. Tiếng gọi mùa xuân, sức kêu gọi của sự sống, Trời! nó mạnh kinh khủng!

Nghĩ đến cái rạo rực trong lòng một cành củi
, một gốc cây khô, ông lại nhân tiện nghĩ qua về cái rạo rực trong lòng mình: “Ờ! mà mình cũng “rạo rực” lắm, đâu đã yên? Khối thì giờ mất đi một cách vu vơ. Thế mà không để ý thì không biết đấy”. Ông nhìn xuống mấy ngón tay vàng khè khói thuốc, mấy ngón tay dẹp, mỏng, khô quắt dần. Ông nhìn thoáng qua, rồi quay mắt đi, chán ngán. Tuy nhiên cũng nhếch miệng cười bâng quơ.

Ngoài sân, con bướm chờn vờn bên dậu hoa sweet pea. Rồi nó rời dậu hoa, bay nhanh qua suốt chiều ngang của khoảnh sân trước, tưởng đi luôn sang vườn nhà bên cạnh, bỗng đâu lại thấy nó chập chờn ngay trước hiên. Cái bóng của con bướm múa rộn ràng trên tấm màn cửa. Vào lúc ấy, chợt vẳng lên tiếng một đứa trẻ. Tiếng gọi la eo éo gì đó, nghe không rõ ràng, cách vài con phố, cất lên mấy tiếng rồi bặt mất.

Ông bàng hoàng. Tiếng kêu ngắn quá không kịp phân biệt là tiếng nước nào. Mễ chăng? Mỹ chăng? Việt chăng? Tưởng chừng tiếng một đứa trẻ ngày xưa hắt vào căn nhà tranh của ông từ một ngôi gò nào trong làng. Tưởng chừng tiếng mấy đứa trẻ la giỡn ở một góc phố vẳng lọt vào lớp học hồi niên thiếu... Một cái gì rung lên, quẫy mạnh trong ông. Ông xao động cả người.



Ông nhớ bữa ăn sáng cuối cùng với một người đàn bà. Người đàn bà đã chung sống với ông hơn chín tháng, ở một ngôi nhà mát mẻ thanh tịnh bên Tân Qui Đông. Hồi tưởng lại những ngày đó thật êm đềm.

Hồi đó, hai người gặp nhau giữa một đám bạn. Ông có một cảm tình mơ hồ với Loan lúc vừa mới gặp, tuy vậy ông không bắt chuyện, cũng không có dự tính gì. Vào một lúc nào đó ông nói một câu vẩn vơ (bây giờ ông không còn nhớ đại khái ra sao nữa, hay nói cho đúng là ông quên bẵng đã từ lâu chứ không phải mới bây giờ). Loan nghe xong, không nói gì; nàng quay mặt về phía khác, nhìn mông ra xa, mỉm cười nhẹ nhàng, bâng quơ. Ông sực kiểm điểm và nhận thấy câu nói vừa rồi của mình quả nhiên là có hướng về nàng, một cách vô ý thức. Sự hưởng ứng của nàng xa xôi dè dặt, lại hơi hững hờ.

Vậy mà ít lâu sau hai người gần gũi, rồi ông rước nàng về chung sống.

Nghĩ lại, giá bấy giờ nàng niềm nỡ có lẽ ông đã lảng tránh. Độ ấy tự dưng ông tránh hết những thái độ nồng nhiệt, tích cực, hăm hở. Tự dưng ông mệt mỏi tận chỗ sâu xa nhất trong tâm hồn. Đang ở một căn phòng thuê tại đường Cô Bắc, đi lại các tòa báo khá tiện khá gần, ông quyết định rút hẳn về bên Tân Qui Đông. Ông từ chối bớt một số công việc tòa soạn, hạn chế bớt một số khoản chi tiêu, hạn chế giao du, để hưởng một thời gian yên tĩnh. Bên cạnh Loan. Và Loan là cả một sự yên tĩnh, êm đềm.

Hai người sống với nhau không lâu, nhưng “hợp nhau kinh khủng”, ông công nhận thế.

Hôm về ở với ông, nàng không có gì nhiều nhặn để mang theo. Y phục, nàng cũng không sắm bao nhiêu. Nhưng nàng có chở theo một chậu trúc đằng ngà. Kể ra không phải là thứ cây kiểng hiếm hay quí. Một cây trúc đằng ngà nhỏ hơn cổ tay bịï chặt ngang lưng chừng, cao chừng thước rưỡi tây, thế thôi. Đưa cây trúc xuống xe, nàng cười. Ông bảo đặt nó ngay trước hiên nhà, ngoài cửa sổ từ phòng khách trông ra. Nàng đồng ý dễ dãi.

Cây trúc thế mà khỏe. Cành lá nó tỏa rộng ra sum suê. Nhiều buổi trưa vắng lũ chim sẻ kéo đến ríu rít trong tàn lá ấy. Mỗi lần nghe tiếng khua động trong nhà, chúng bay tán loạn. Trưa mùa hè nhiều lúc không được trông đến, trúc khô nước, lá cuốn cả lại. Múc một lon nước đổ vào gốc cho nó, thử lắng tai, có thể nghe tiếng lá khô mở ra rào rào, khe khẽ. Chừng vài giờ lá lại cuốn queo, lại cần thêm lon nước nữa.

Tàn lá ấy làm khổ cây trúc. Có những đêm gió lớn, sáng ra thấy nó lăn kềnh, nằm chình ình trước hiên. Cái chậu đất nặng nề là thế vẫn chưa đủ để giữ thăng bằng. Rốt cuộc Loan phải hè hụi trói cây trúc vào song cửa bằng một sợi dây kẽm. Ông muốn giúp nàng một tay, nàng cười cười:

— Anh cứ để nó cho em. Em trị được mà.

Thực ra ông ngờ rằng không phải chỉ có thế. Không phải là nàng không muốn phiền đến ai khác chỉ vì nàng đủ sức “trị” nó, mà bởi vì nàng muốn tự tay mình chăm sóc cây trúc “của mình”. Cây tre cây trúc ít khi là cây kiểng của một người đàn bà. Có thể đây là một kỷ niệm riêng sao đó. Nàng có cây trúc trong trường hợp như thế nào? nàng “thừa hưởng” của ai? Có lúc ông thoáng nghĩ ngợi về điều ấy, nhưng rốt cuộc cả hai cùng lảng tránh, bỏ qua vấn đề. Sáng sáng hai người ngồi trước hiên điểm tâm, uống cà-phê, và nhiều lần ông khen cây trúc đẹp. Nàng thắc mắc:

— Không thấy nó nẩy được mụt măng nào.

— Ờ nhỉ. Trồng lâu chưa?

— Lâu.

— Ờ, thế thì lạ.

Vậy rồi thôi. Ông không hỏi thực sự nó ở với nàng từ bao giờ.

“Trị” cây trúc là công việc của nàng. Ngoài ra nàng còn một thành tích nữa, cũng đáng kể. Sau nhà có cây mít, không biết nàng tìm đâu ra cái chuông, đem về treo lên một cành mít, rồi lại buộc một khúc cây bên cạnh làm cái dùi. Thỉnh thoảng, trong gian nhà vắng lặng, hoặc ông đang nằm đọc sách, hoặc chợt ngừng bút giữa trang giấy, hoặc đang ngồi lơ mơ uống tách nước..., chợt nghe một tiếng “boong.., oong...oong...” từ sau vườn.

Tiếng chuông đánh thức sự tịch mịch vắng vẻ. Ông tán thưởng:

— Hay nhỉ. Không có tiếng chuông, mình không để ý đến sự im vắng của xung quanh.

Nàng không nói gì. Một lát, ông lại ngẫm nghĩ:

— Thì vẫn là im vắng, nhưng một im vắng vô ý thức. Lâu lâu một tiếng “boong” làm cho sự im vắng tự ý thức về mình. Thành ra một sự vắng lặng có ý thức.

Nàng vẫn không nói gì. Nàng nhìn mông ra ngoài, cười bâng quơ.

Người đàn bà ấy không có mấy nữ trang, mấy món phấn son trang điểm; nàng bỏ thì giờ vào những thứ vớ vẩn: cái chuông, chậu cây... Hai người sống với nhau như thế cho đến một hôm ông bắt gặp Loan với một vẻ khổ sở. Vài ngày sau, nàng bảo ông biết nàng vừa được tin nhà, nàng phải về quê, ở dưới Sóc Trăng. Hoàn cảnh nàng có gì rối rắm khó khăn lắm. Ông khựng lại, nhìn nàng chăm chú một lát, biết rằng sự thể không thể nào đổi khác được, ông thở dài.

Hôm cuối cùng, loay hoay thế nào mà họ thức trắng đêm. Buổi tối, ngồi trước hiên nhà mãi cũng buồn, ông lấy xe chở nàng đi ăn cháo cá, rồi hai người ra ngồi bờ sông hóng mát tới khuya. Về, ông lại pha cà-phê uống, rồi ngồi xem sách. Loan lên giường nằm hồi lâu không ngủ được, vẹt màn chui ra. Ông bỏ sách, ngồi với nàng, chuyện trò lẩm cẩm. Đêm hết lúc nào không hay. Lúc nhìn qua cửa sổ thấy chân trời ửng sáng, ông sực nhớ ra, kêu đói, bảo Loan chải tóc tai để đi ăn sáng. Nàng ái ngại:

— Anh thức suốt đêm, có mệt không? Nhà sẵn còn trứng. Hay để em chiên “ốp la” ăn với bánh mì. Được không?

Ông lắc đầu. Lúc này ông muốn ngồi ở tiệm, ăn một tô phở nóng, thơm tho.

Thì đi. Qua cầu Tân Thuận, gặp hơi nước mát, ông hít mạnh vào phổi, thích thú. Rồi ông cao hứng dừng xe lại bên kia cầu tìm một cái quán gần bờ sông, ngồi nhìn mặt nước sáng dưới ánh bình minh, nhìn người qua kẻ lại, thấy khoan khoái, tỉnh người dần. Hỏi chủ quán: không có phở, chỉ có bò kho, có trứng “ốp la”. Không muốn bỏ một chỗ ngồi thích ý, ông gọi trứng “ốp la” và quay lại bảo Loan:

— Nhất ẩm nhất trác, định trước cả. Số mình sáng nay ăn trứng thì chỉ được ăn trứng thôi... Huống hồ những chuyện lớn trong đời, chạy đâu khỏi số?

Nàng nhếch cười buồn bã.

Ăn xong, đốt điếu thuốc, ngồi trước tách trà thơm, ông lờ mờ nghĩ về những ngày sắp tới. Chắc chắn ông sẽ trả ngôi nhà ở Tân Qui mà trở về bên Sài Gòn. Ở một mình chỗ quạnh vắng, buồn chết. Vả lại, tiền dành dụm đã vơi, ông cần ở gần các tờ báo để làm việc nhiều thêm. Ông nghĩ đến cuộc dọn nhà trong tuần tới, nghĩ đến công việc lấy tin vào lúc mờ sáng ở các tòa soạn nhật báo, đến công việc viết lách liên tu bất tận suốt ngày... Ông thẫn thờ lẩm nhẩm: “Mệt kinh khủng!”

Nghe một tiếng cười khẽ, ông ngoảnh lại: Loan cười lớn hơn, nàng lấy tay che miệng cười ngặt nghẽo, rồi lấy tay che cả mắt. Lát sau, khi nàng bỏ tay xuống, nước mắt hãy còn trên má. Lưng bàn tay nàng cũng ướt.



Loan ra đi tuần trước thì tuần sau ông cũng dọn nhà đi luôn. Hai người để lại trong vườn cũ cái chuông trên cây mít. (Cây trúc tất nhiên là Loan đem theo. Nó lên xe sau cùng, khi nàng đã chất đồ xong và đã lên ngồi trên xích-lô máy nàng mới nhờ người phu xích-lô bê nó đặt lên sàn xe, và nàng bảo ông: “Để lại, anh không trị nó nổi đâu. Nó sẽ vòi vĩnh, làm phiền anh.” Ông biết đó chỉ là một cách nói. Đó không phải là lý do khiến nàng không rời nó.)

Ông thuê một căn phòng nhỏ ở tầng lầu hai một tòa nhà lớn gần chợ Thái Bình. Trong cái hiu hắt của một cảnh sống đơn chiếc, có những buổi xế chiều, sau một giấc ngủ trưa mê mệt, ông thức dậy, nằm thười trên giường, ngao ngán nhìn bức tường phòng trơ trụi không một cái tranh cái ảnh. Cửa sổ đóng kín, căn phòng im mát và râm râm tối. Nằm im hồi lâu, trí nghĩ vẩn vơ từ chuyện nọ sang chuyện kia; trong vắng vẻ tĩnh mịch chợt ông tưởng chừng nghe thấy một tiếng “boong...oong...oong!”

Ông bàng hoàng ngẩn ngơ. Ông không nghĩ đến Loan, nhưng từng giác quan của ông chúng vẫn nhớ nàng. Trong cùng thẳm cõi vô thức của ông cái hơi hướng của những ngày cùng Loan chung sống vẫn còn vương vất. Từ cái này đến cái nọ, từ chuyện này đến chuyện kia, chúng trở về. Cái cổ tay của nàng, bữa cháo khuya trước hiên nhà bên Tân Qui, và ơ kìa! cổ chân, còn cả cái cổ chân của nàng nữa, thật là kỳ cục! và mùi tóc nàng nữa, và cái nhìn mông rất bâng quơ v.v... Ở tuổi ông vẫn còn những vẩn vơ vậy sao?

Ông tự cười mình, lẩm nhẩm mấy câu lăng nhăng:

“Mình về mình nhớ ta chăng?

— Nhớ mình? Ta quyết đoan rằng là: Chưa!

Nhớ mình? đã nhớ đâu cơ

Chẳng qua chỉ có vẩn vơ nhớ... nhà

Vườn quê mỗi buổi chiều tà

Bâng quơ tai nhớ một và tiếng chuông

Cà-phê mỗi sáng tinh sương

Nhớ đôi cành trúc vấn vương bên thềm

Lưng trời nhớ một cánh chim”

Mãi sau đó khá lâu, một hôm ông có dịp sực nghĩ đến giọt nước mắt của Loan trong bữa điểm tâm cuối cùng. Trong một thoáng, tự dưng ông tưởng thấy rõ cả cái lý do, như thoắt “ngộ” sự thực tròn vẹn. Lý do là cái tiếng “kinh khủng”... Đó là một thói quen của ông. Ông thường nói: “Dại kinh khủng. Hay kinh khủng. Rắc rối kinh khủng”... Hôm đó ông vừa kêu “Mệt kinh khủng” thì Loan cười. Nàng cười một thói quen. Rồi lại nghĩ rằng từ đây nàng sẽ chẳng bao giờ còn nghe “kinh khủng” nữa, chẳng còn gần gũi với cái thói quen hàng ngày ấy của ông nữa, nàng khóc lúc nào không hay. Một thói quen ngộ nghĩnh, chẳng đâu vào đâu, nhưng nghĩ rằng nàng sẽ mất nó mãi mãi, cho nên cuối tiếng cười có những giọt nước mắt.



Một cuộc chung sống mấy tháng rồi tan rã đã lâu thỉnh thoảng còn hắt về một tiếng chuông mơ hồ như thế. Và ở Sóc Trăng chắc chắn một đôi khi ở chỗ người qua kẻ lại, ở một góc đường, một quán nước, đâu đó chợt thoáng nghe hai tiếng “kinh khủng” Loan cũng ngẩn người ra bồi hồi.

Hơi hướng một cuộc tình đã dai dẳng, ông nghĩ đến cái hơi hướng của cuộc đời. Của cả cuộc đời.

Mai kia, ông ra đi khỏi cõi đời này, chắc đâu cái hơi hướng của nó không đeo đuổi? Ba tấc đất đâu đã thực là đủ sâu? Trong nghĩa trang, những khu nghĩa trang với đồi cỏ xanh mướt, cây xanh mơn mởn, mười giờ lũ chim sẻ, chim quành quạch kêu tíu tít, kêu rối cả lên, và nắng thì chan hòa, những khu nghĩa trang đô thị nằm ngay cạnh các con lộ rộn ràng, sát kề cuộc sống náo nức, trong những khu nghĩa trang như thế làm sao yên được giấc nghìn thu! Khó đa. Cuộc đời còn inh ỏi hơn một tình nhân. Dĩ nhiên ông không muốn nhớ, nhưng không nhớ mà được sao? Một tiếng còi xe, một tiếng gọi la trong vắt của đứa bé ở một góc phố..., những cái ấy hắt lọt xuống lòng huyệt vào nửa buổi mai huy hoàng, nó làm kinh động giấc nghìn thu đến chừng nào. Không nhớ Cuộc Đời, không nhớ “mình” mà được sao? Mình réo gọi, mình hút ta lên từ đáy mộ mỗi buổi mai mười giờ chứ lị. Những inh ỏi của trần gian, chao ôi!

“Mình “về” mình nhớ ta chăng?

— Nhớ mình? Không nhớ được răng hả mình?

Ba tấc đất, biết bao tình

Mười giờ mình vỗ rập rình nắp săng

Mình xua gió thổi mây giăng

Mình tung ánh nắng vang vang khắp trời

Mình rung chuyển đất lay đồi...

Mai kia rồi nữa ta rời xa nhau

Nhớ mình không nhớ được sao?”



Ông lẩm nhẩm trong trí mấy câu sau cùng, rồi đứng lên, bước ra sau vườn, nhìn bâng quơ: đàn sáo đậu trên dây điện đã bay đâu mất cả. Ông nhìn mông lên trời xanh trống không một lát rồi quay vào nhà.

Mười giờ, ông bỗng dưng như thể một kẻ lểnh lảng: ở trong nhà thì nghe như có tiếng réo gọi đâu đó xa xa, tung cửa ra ngoài không thấy ai, không thấy gì cả. Trông bên nọ ngóng bên kia dáo dác một lúc, cảm thấy tưng hửng, bèn quay vào.

Quay vào, thì nghe réo gọi bên ngoài. Văng vẳng, mơ hồ, mà khẩn trương, hối hả. Thoạt tiên mình còn ngờ vực lấy mình, về sau càng lúc càng nhốn nháo cả ruột gan. Tiếng gọi thiết tha quá, cấp bách quá, không sao không đáp ứng được. Lại tung cửa chạy ra. Và nhìn xuôi trông ngược vẫn chẳng có gì. Chỉ có ngọn gió vừa lướt qua. Chỉ có cây gồi già đội một mảng mây trắng to tướng đứng trân trên ngọn đồi...

Như vậy là chẳng có gì? — Lẽ đâu thế? Tiếng réo gọi mơ hồ nhưng không thể chối cãi. Sự Sống đó. Tiếng réo gọi của Sự Sống đó mà. Từ nơi cùng thẳm hư vô, nó gọi ta. Cái lanh lảnh trong một tiếng trẻ con, cái rào rào trong gió lá; một cánh bướm chập chờn, một cành tre dưới nắng: Nó đấy. Nó cả đấy. Nó xa xôi tận cùng thẳm mà cũng gần gũi trong gang tấc. Sự Sống đó. Tiếng gọi của Sự Sống nhiệm màu. Tiếng gọi của Trời Đất đó. Của Vũ Trụ Càn Khôn mịt mờ ảo huyễn mà quyến rũ mê hoặc khôn lường đó.

Rồi mai kia:

“Nhớ mình không nhớ được sao?”

108