This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

ác cảm



Một chiếc cầu bắc trên dòng sông hẹp, ngăn thành phố với ngoại ô. Sang khỏi cầu, sự thay đổi đột ngột. Con đường xù xì lên những đá và đất đỏ. Những đứa con nít, phần nhiều có một dải bùa vàng buộc ở cổ áo, giỡn nhau giữa đường, chửi đùa nhau cũng khá thô tục. Một đứa bé tí lem luốc bước trên hai cẳng chân chưa vững và khóc bi be. Vài con chó chạy nhong nhong, cúi ngửi bã mía. Từng khoảng một, hai bên mép đường, mấy đứa con gái ngồi bán mía, em nhỏ đặt ngồi cạnh để trông giữ luôn.

Hai dãy nhà lụp xụp nối dài, cửa che bằng phên chống nghiêng nghiêng hoặc bằng mành tre rất to nan. Trên giậu râm bụt, vắt phơi trơ trẽn những quần áo bẩn thỉu, yếm váy vá chằng đụp.

Sông lờ đờ lê dòng hẹp màu vàng đục. Về chiều, nhất là những ngày chủ nhật hay ngày lễ, người trong phố ra ngồi bờ sông câu cá. Có người âu phục, có người ra dáng thợ máy, có mấy cậu học trò, và không biết tại sao, đôi khi lại có cả một bác lính mũ chào mào. Họ ngồi kiên nhẫn dị thường, chặn đầu cần câu dưới một hòn gạch hoặc đá, đoạn lơ đãng ngắm cảnh vật hoặc nhìn lại những người đứng chơi trên cầu nhìn họ.

Mấy người đàn bà lội xuống vo gạo, rửa rau, chè hoặc bèo. Họ cũng có ý đứng xa một tí những người đang giặt yếm váy. Họ khua tay trên nước mấy cái cho bọt và rác dãn ra theo vòng sóng, đoạn nhúng rổ xuống.

Đằng xa, một người đàn bà rán sức vung quá đầu chiếc chiếu cuộn dẹt rồi đập lên mặt nước rất mạnh, khiến nổ bật những tiếng như tiếng súng.

Giữa cái xã hội ngoại ô ấy, Mân sống đã mấy tháng nay. Anh dạy học ở một trường tư trong tỉnh, sau những buổi dạy, anh trở về túp tranh dựng ngay cạnh cầu, thuê mười đồng một năm. Anh chưa quen thuộc hẳn với cái xã hội mà anh cho là ô hợp ấy. Nhất là những lúc nghe hàng xóm chửi bới nhau om sòm, anh không nén được phiền bực.

Túp lều Mân ở tối om om. Mỗi sáng, soạn và chấm bài, anh phải chong ngọn đèn dầu mãi đến bảy giờ. Cái cửa sổ chấn song tre, cạnh đó kê bàn làm việc, nhìn ra con đường nhỏ dẫn xuống bến sông. Người gánh nước qua lại luôn, làm rộn trí anh. Nước đọng vũng, mấy con vịt đến khoắng mỏ lục sục, hơi bùn tanh nhạt, có khi thối hoắc, xông lên nặc mũi.

Một sự lầm lỡ đã đầy đọa Mân đến cảnh này. Chắc mấy người hàng xóm của Mân chẳng ai ngờ rằng cái ông giáo quèn vừa về sống cạnh họ và có bộ xơ xác, đã có lần quản trị hàng vạn bạc. Trước, Mân chung mở đồn điền với một người cùng huyện tên Bạc Hói. ồ, đó không phải một tên Tàu, hay Cao Miên. Nhưng lẽ ra - sau này Mân hối hận và nghĩ lại - với một cái tên như vậy, Mân phải đề phòng hơn mới phải. Có những cái tên hình như tiền định. Hắn hói mất nửa đầu, nên có biệt danh ấy. Tên Bạc cũng chẳng hay ho gì, khi nó dùng để ghép những chữ kép như: bạc ác, bạc bẽo, bội bạc.

Quả nhiên, Bạc Hói lừa Mân. Hắn nắm được một chỗ hở của Mân, đâm đơn kiện và tranh lấy cả đồn điền. Mân thu vét tiền còn lại để theo kiện, nên bây giờ nghèo xơ xác. Mân có của người kinh doanh cái óc bao quát công việc và cái khiếu đón đầu thời cơ. Nhưng anh đã tin người quá. Bao nhiêu những nhà doanh nghiệp đều có quả tim khô khan và khóe mắt nghi kỵ. Họ ngầm giữ miếng với cả những người tâm phúc. Cũng một đôi khi Mân đã ngờ lòng Bạc Hói, nhưng để rồi tự thẹn với mình, tự thẹn vì đã gán cho kẻ khác những tình ý mà hẳn y không có.

Bây giờ Mân sống đoạn tuyệt với mẩu đời vừa qua. Anh nguyền quên hết cả; anh bóp chết trong lòng hình ảnh Bạc Hói cũng như kỷ niệm sâu cay của một cuộc thất bại đau đớn. Nghị lực anh dựng một bức tường cao ngăn hẳn hiện tại với quá khứ. Của thời cũ, nếu Mân còn giữ lại cái gì, thì đó là cái kinh nghiệm về lòng người, càng quý báu vì giá mua càng đắt.

ở được ít lâu nơi ngoại ô, Mân có một bạn láng giềng mới. Một chiều đi dạy về, đang đứng thơ thẩn trước cửa, Mân thấy anh ta chuyển đồ đạc từ xe bò vào túp tranh bên cạnh. Anh không nhìn thẳng vào mắt hắn, nhưng đoán chừng hắn trạc ba bốn mươi. Một hồi sau, ăn cơm xong, anh ra vườn thì lại thấy hắn đứng rửa tay. Hắn quay nhìn sang phía anh, nhưng cúi đầu nên anh không nhận rõ được mặt hắn. Trong bóng hoàng hôn, anh tò mò ngắm hắn lâu lắm. Khuôn mặt hắn tròn tròn, đều đặn, anh chỉ biết có thế. Chợt tiếng reo nổi lên ngoài phía sông: hẳn một con cá vừa mắc câu, giữa sự vui mừng huyên náo và hơi trẻ con của những người xem. Hắn chưa quen tiếng ồn ào ấy, ngước nhìn, và Mân được dịp nhận ra một bộ mặt hiền lành, nhũn nhặn. Nhưng cùng một lúc, Mân đột ngột cảm thấy cái gì như một phiền rầy: có lẽ bởi anh bị bắt chợt đang nhìn trộm hắn. Anh bèn quay vào.

Vú già nói cho anh biết là hắn sắp mở một quán rượu đón những ông Xã bác Nhiêu lên tỉnh: rằng hắn tên là Tạo. Đàn bà là những cơ quan thông tấn thực nhạy.

Tin báo của vú già khiến lòng Mân nao lên một niềm gì gần như giận dữ. Hàng xóm của anh chưa đủ ầm ĩ hay sao mà hắn còn lo tụ tập lại những ông Lý toét, những bác Nhiêu, chén rượu thịt chó vào rồi hét oang oang như để cho cả trời nghe!

Chiều hôm sau trong lúc ngồi trông nom học trò làm bài, Mân sực nhớ lại giấc mộng hồi đêm. Có nhiều khi hồi ức giấc mộng đã cũ trở lại trí nhớ một cách đột ngột như thế, trong một hoàn cảnh không liên quan gì với chuyện trong mộng cả. Hình như anh đã thấy trong chiêm bao một cảnh gì náo động lắm, có điểm chút kinh hoàng thì phải, nhưng không nhớ rõ chuyện gì. Mà hình như giữa sự hỗn độn của những hình ảnh, có thoáng qua bóng dáng người láng giềng mới của anh.

Sau buổi dạy, trái với thói thường, Mân đi dạo quanh vùng anh ở. Khi qua trước cửa hàng rượu, anh quay nhìn vào một thoáng mau. Không hiểu tại sao anh cứ phải chú ý đến Tạo. Hắn đang sắp lại mấy phong thuốc lào trên quầy hàng, sực ngửng lên. Hắn đon đả chào:

- Thưa ông giáo đi chơi... Ông ghé tạm vào chơi xơi nước ạ.

Mân không bằng lòng với mình vì đã để cho hắn bắt chợt luồng mắt mình. Anh trả lời:

- Cám ơn bác. Để hôm sau.

Hắn có dáng nhã thiệp, và một nụ cười nhũn nhặn, dễ thương. Quần áo sạch sẽ, tóc chải gọn. Nhưng những điều ấy, không biết tại sao, chỉ làm Mân ghét thêm hắn. Hình như trong anh có tiếng nhủ thầm: Hãy coi chừng! Hãy coi chừng cái bề ngoài ấy!

Đáp lại lời mời nhã thiệp của hắn, Mân đã lấy một giọng hơi xẵng, hoặc ít ra cũng khô khan. Nhưng mà anh không thấy t120

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

Nợ Tình



     Nhà tôi có năm chị em gái, không sắc nước hương trời nhưng mỗi người một vẻ. Gái quê mang nét duyên thầm. Riêng chị hai kém cạnh hơn cả bởi cái nốt ruồi trên mặt.

Nốt ruồi ấy như một điểm phá tướng làm cho những nét thanh tú trên khuôn mặt trở nên chông chênh. Các chị em trong nhà hơn một lần khuyên chị nên tẩy đi, nhưng chị không chịu. Chị cả bảo: “Tẩy đi, không các ông, các bà chọn dâu lại bói toán này nọ”.

Chị hai ngúng nguẩy: “Kệ nó, đã như thế rồi có tẩy cũng vậy thôi”. Hai mươi tuổi chị cả đi lấy chồng, chị hai cũng có người yêu. Trong số trai làng có rất nhiều người đến “cưa” nhưng chị nguây nguẩy không tiếp, duy chỉ tiếp mỗi anh Khuê.

Khuê nhìn qua không có gì đặc biệt để mến thậm chí còn có ác cảm. Không cao to, người chỉ tầm tầm, da đen bóng, ít nói có vẻ lạnh lùng, đó là những gì mà người đối diện bình thường có thể cảm nhận ở anh. Nhưng ở Khuê có một điều mà chỉ có chị hai mới thấy được đó là ánh nhìn đắm đuối có phần cuồng dại, hoang dã nhưng si tình. Hai người quấn quýt bên nhau.

Rồi chị ba, chị tư cũng có người tán tỉnh, thoắt cái đã đến tuổi lấy chồng. Gái quê hai mươi là đã lấy chồng thậm chí còn sớm hơn. Chị ba lưỡng lự khi tìm được ý trung nhân lúc đã bước vào tuổi hai ba. Chị hai nói lẩy nhưng với chính mình chứ không phải em: “Đứa mô lấy được thì cứ lấy đi, kệ tao”.

Mẹ bảo: “Con gái có lứa có thì, lúc mười tám, hai mươi không lo chồng, lo con thì rồi sau mà dư khổ”. Chị hai lặng lẽ bỏ lên đồi chè. Mẹ nói với cha: “Nghe đâu bên ấy họ chê con Nữ” – “Chê cái gì” giọng cha có vẻ tức tối. “Thì cái nốt ruồi phá tướng. Người ta bảo cái nốt ruồi mọc ở chỗ đó sẽ làm khuynh đảo gia đình đằng nội, rằng rất khó có con…”. “Vớ vẩn, bói với toán, toàn là mê tín dị đoan…”. “Không lấy thằng Khuê thì lấy thằng khác, con trai thiếu gì mà nó có đến nỗi nào đâu”. “Nhưng nó chỉ yêu mỗi thằng Khuê…” mẹ cãi lại.

Đêm. Cha kêu chị hai lên: “Nữ, bây giờ mày tính sao? Thằng Khuê nó có yêu thương mày không? Nó nói sao?”. “Cha mẹ cứ lo cho các em đi, đứa nào lấy để nó lấy, đừng nghĩ đến tui”, nói rồi chị bỏ chạy ra sau vườn lặng lẽ khóc. Chị ba và chị tư cũng không biết làm sao.

Mẹ than thở: “Cha mẹ sinh con trời đất sinh tính; chúng tao già rồi chúng tao chết, ai ở mãi với chúng bay, đứa nào tự lo thân đứa nấy, chúng tao chỉ nói một lần”. Ít lâu sau chị ba lấy chồng, còn anh Khuê không thấy đến. Nghe đâu anh bỏ đi Nam làm thuê. Chị hai thì lặng lẽ đi về như chiếc bóng, chị vẫn hy vọng. Hình như khi yêu nhau, dù xa cách, dù nhớ nhung, dù đau đớn… người ta vẫn sống được nhờ vào hy vọng. Chị vẫn tin vào “thần giao cách cảm”. Chị vẫn tin rằng những nỗi nhớ ngút ngàn tê tái con tim, và nỗi cô đơn trong những đêm đông đầy mộng mị... của chị anh vẫn cảm nhận được.

Chị tự an ủi và nghĩ rằng không biết con trai họ yêu như thế nào? Có nhớ nhung nhiều và ý nghĩ lúc nào cũng hướng đến một người như chị không. Chị lại cảm thấy thương anh, nếu như anh cũng yêu chị như thế chắc anh khổ lắm. Người ta nói phụ nữ không giỏi chịu đau như nam giới nhưng đó là những sự đau khổ về thể xác còn tâm hồn thì ngược lại. Nước mắt chị lã chã rơi trong từng vách ngăn của những trường đoạn giấc mơ. Nhưng có khi chị lại nghi ngờ vào cả niềm tin của chính mình. Mỗi tin tức từ anh, chị đều lắng nghe nhưng vờ như là vô tình nghe được. Chị hỏi thăm người ta từ chỗ anh về nhưng rất khéo cứ như chị không chú tâm vào những thông tin về anh.

Và chị vẫn hy vọng. Chị biết anh chưa có người yêu. Ngoài ba mươi, các em gái của chị đã lập gia đình và có con, riêng chị vẫn giữ niềm tin trọn vẹn. Mà không, cuộc sống này đâu phải muốn gì là được, cái cản trở chị có được một ngôi nhà một cuộc sống giản dị của lứa đôi lại là trái tim. Trái tim chị chỉ mở cửa cho một người và đóng lại với tất cả. Có những lúc chị muốn nổ tung giữa đêm khuya khi những ngày chờ đợi vô vọng tin tức từ anh.

Là người ai chẳng khát khao, ái ân vợ chồng chỉ là sự thỏa mãn nhục dục mà đó còn là yêu, là thương là dâng hiến. Các em gái lo lắng cho chị, tuổi xuân không đến hai lần nhưng chị phớt qua tất cả mặc cho con tim gặm nhấm nỗi cô đơn càng làm cho nhan sắc nhanh tàn. Sau đôi ba lần nghe chị nói những câu khó nghe, có khi chị giận dỗi cả tuần, các em gái không đứa nào dám đụng đến chuyện riêng tư của chị nữa.

Có lần tôi thấy chị Tư khóc tức tưởi, bỏ về nhà chồng cả tuần không thèm về thăm cha mẹ dù từ chỗ nhà chồng về nhà cách chưa đầy một cây số. Thành thử các chị em trong nhà rất ngại chị hai. Mẹ thì mắng lắm, chửi lắm rồi cũng thế nên chẳng biết làm sao đành im lặng. Ba hai tuổi so với gái quê chị vẫn còn mặn mà nhưng bao người đến dạm hỏi đều bị từ chối thẳng thừng, đôi khi còn làm mếch lòng họ. Dần dà, họ không còn can đảm để đến.

Cuối năm anh Khuê đột ngột về. Ba mươi ba tuổi anh vẫn chưa vợ. Người ta mong rằng sẽ được đón nhận một kết thúc có hậu. Nghe tin anh về, đang ở trên đồi chè chị chực quẳng cả gánh gồng mà chạy. Nhưng bước chân chị khựng lại “mình là gì của người ta, sau bao năm xa cách như thế, bây giờ anh ấy thế nào?”. Tình cảm là cái mà con người ta không lường trước được, yêu đó, thương đó rồi lại hờ hững. Sự lý giải của bất kỳ một phép toán nào cũng không thể có đáp án đúng. Huống hồ anh đã ra đi gần mười năm trời…

Mười năm trời không một lá thư. Nước mắt chị tuôn trào, ồ ạt như người ta vắt một quả cam mọng nước. Ô hay! Mười năm qua nỗi đau đã lặn vào trong, dẫu có lúc chị quằn quại vì trái tim trưởng như không còn đủ sức đập thêm nhịp nữa nhưng nó âm ỉ cháy chứ đâu như giây phút này. Trời cao mây trắng vẫn nhởn nhơ bay mà lòng chị như lửa đang thiêu đốt. Cả buổi hôm đó chị chẳng làm được gì, chị không cho phép mình và gạt ra ngoài những linh cảm lo sợ đang xâm chiếm cả không gian…

Hy vọng. Một ngày. Hai ngày… Ba ngày, chị vẫn đợi. Nhưng anh không đến. Lòng chị tan ra từng mảnh như chiếc gương chị đánh rơi trong buổi chiều. Nhưng rồi gương không lành mà tâm hồn chị đóng lại thành một cục băng lạnh giá. Chị đau khổ: “Hết. Hết thật rồi…”. Ngày thứ chín, tôi đếm nhưng chị không đếm đã cách đó mấy ngày. Anh đến nhà tôi. Chị tiếp anh với vẻ mặt bình thản. Anh nói: “Ngày mai mời Nữ và gia đình lên nhà ăn kẹo duyên của tôi”. Chị khẽ cười: “Chúc mừng anh…”.

Anh nhìn chị, cái nhìn như soi tận tâm can người đối diện. Cảm xúc trong chị ùa về nhưng chị có đủ lý trí để ngăn lại: “Thế bao giờ anh cưới”. Anh quay mặt đi: “ít ngày nữa”. Ánh đèn dầu hỏa trong một đêm mất điện đã che đi nụ cười méo xệch của chị: “Nhanh nhỉ!…”. “Nữ à, em có ai chưa? Em…”. “Em hả?… có chứ… mà anh tính cưới xong đi luôn à?”. “Có lẽ thế…”. Cuộc gặp gỡ chóng vánh kết thúc, chị biện lý do là có công việc phải làm. Anh ra về. Chị lặng đi trong bóng tối nhìn theo anh, cái nhìn vĩnh biệt. Lòng chị đau như chưa bao giờ như thế. Cứ tưởng như mình đang giã từ chính mình. Giã từ linh hồn biết yêu, biết cảm nhận những điều tinh tế trong cuộc sống. Chỉ vì khi yêu người ta mới có thể biết được hơi thở của người yêu qua làn gió mang từ chốn có người. Vì chỉ có khi yêu và hy vọng ta mới thấy được rằng ta đang sống.

Trong cuộc đời này nếu không còn người mình yêu thương thì như đã chết rồi còn gì? Chị đã từng nghĩ thế. Bây giờ đây ông trời bắt chị phải chết đây. Ừ thì chết! Có sao đâu nhỉ? Chị khuỵu xuống. Trời ơi! Tất cả chấm dứt rồi, cuộc sống ơi ta có còn gì… Giá như có thể ngủ một giấc dài và vĩnh viễn không tỉnh lại thì hay biết mấy…

Nhưng chị vẫn sống. Ba lăm tuổi, chị vẫn sống bình thản, còn mẹ thì rất lo. Cái lo của người đã đi gần hết cuộc đời chiêm nghiệm ra những điều mà người trẻ không lường hết được… Lại có người đến hỏi. Nhưng dạo này những đối tượng đến với chị đa số không ấm đầu thì cũng “âm lịch” hay dạng vũ phu, thô bỉ đã từng bỏ vợ hoặc vợ chết. Chị đùng đùng chửi cả người làm mối. Mẹ thì đay nghiến: “Còn mười tám, hai mươi chi nữa mà kén cá chọn canh”. Nói mãi vẫn thế, mẹ đành im lặng.

Bốn mươi. Nhiều cô gái lỡ thì trong làng vội vã ăn nằm với một ai đó để lấy đứa con nuôi, phòng xa sau này già có nơi nương tựa. Chị cũng hoang mang lắm. Những trận ốm của thời kỳ mãn kinh ập đến, chị nằm mà lo sợ. Nước mắt chị lại tuôn trào. Sang bên kia dốc cuộc đời chị mới thấm thía cái cảm giác cô đơn. Có làm một căn nhà nho nhỏ, do vốn liếng góp nhặt chắt chiu, chị cũng không dám dọn ra ở.

Người ta có thể chịu khổ, chịu được tất cả mọi cực hình nhưng người ta không thể sống được với cô đơn. Thành thử lần lữa mãi chị vẫn sống cùng cha mẹ. Chị cũng muốn có con, một người phụ nữ có con là ước muốn chính đáng. Chị mơ có con với người xưa cũ nhưng không thể rồi. Bốn hai tuổi. Chị nóng lòng quen một ông năm mươi ba, dáng dấp ưng ý, đã có con trai, con gái, nhưng theo ông ta “muốn có thêm đứa con trai để phá thế độc đinh mấy đời”. Cuộc giao ước tưởng đã xong, nhượng bộ mãi cả nhà mới đồng ý cho chị vì ông ta không thể cưới chị đàng hoàng chỉ có thể “già nhân ngãi, non vợ chồng” mà thôi. Đột nhiên tất cả sụp đổ.

Vì là trong làng có một kẻ những tưởng đã gạ gẫm được chị, để hắn ăn nằm với. Hắn biết rõ dù gì thì chị cũng còn là con gái. Vốn là một tay sở khanh, dù gần hết đời và đã có con với năm người đàn bà và cuối cùng chọn một bà công chức về hưu nhưng vô sinh, hắn cũng không bỏ qua món hời khi biết ý muốn của chị. Hắn tọm toẹm hành nghề bói toán lại là bạn đồng môn của chồng em vợ ông kia, người có ý định với chị.

Không ăn thì đạp đổ, và hắn thừa sức để đạp đổ mối tình mong manh ấy. Được mấy bữa ông đi “tìm con” kia trốn biệt tăm. Thằng út ngập ngừng cố ý vòng vo để báo cho chị cái tin ông kia đã tìm được mối khác. Chị không nói gì. Một thoáng thất vọng hiện lên rồi bay đi. Chị cười cười, tảng lờ kể một câu chuyện khác đang là thời sự ở làng bên. Câu chuyện về một đứa con bất hiếu. Chị kể như để khỏa lấp nỗi buồn đã trở nên mơ hồ trong tâm hồn chị.

Bốn mươi lăm. Những trận ốm thời kỳ mãn kinh không còn nữa, chị vẫn sống cùng cha mẹ già. Thằng út bây giờ đi học đại học nên nhà trống trơn. Chị nấu rượu, nuôi lợn. Chị đem rượu bán. Cái thứ rượu nếp trong vùng đã trở thành đặc sản bởi vị cay xé lưỡi và nồng ngọt thì rượu chị như có thêm một chất xúc tác khác nên dù giá có cao hơn một chút người ta cũng tranh nhau mua.

Nhưng chị không ham, thích thì nấu, không thích thì thôi. Mua nhiều cũng không bán, ai mà say lè nhè đến mua thì chị nói bạo miệng lắm, nhưng họ không giận vì chị cũng chẳng để bụng điều gì. Bây giờ chị không sầu não nữa… Nhưng đôi lúc một mình trên đồi chè chị lại nhìn lên trời xem thử mây trắng có còn bay nhiều không…

177

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Bản Năng Làm Mẹ



V.S. Naipaul kể lại chặng đường đầu tiên gian khổ thế này, "Tôi viết Miguel Street trước tiên, bạn tôi, Andrew Salkey mang tác phẩm này đến André Deutsch. Diana Athill, biên tập viên của nhà xuất bản Deutsch, thích câu chuyện nhưng André Deutsch biết những tác phẩm loại này, cho rằng 'truyện ngắn bán không được.' " Bản thảo Miguel Street bị giữ lại trong ngăn kéo. Nhà xuất bản cần truyện dài, thế là Naipaul viết The Mystic Masseur. Ông hoàn tất tác phẩm này tháng Giêng năm 1956. Quyển này lẽ ra được xuất bản ngay trong năm đó. Tác giả là người nôn nóng hơn ai hết mong được nhìn thấy tác phẩm mình trên giấy trắng mực đen. Cuối cùng phải đến tháng Năm, năm sau, The Mystic Masseur mới chào đời. Nhà xuất bản lại đòi thêm một truyện dài khác. Ông viết tiếp và The Suffrage of Elvira được xuất bản tháng Tư, năm 1958. Ngày nay khi nhìn lại quãng đời trước, Naipaul vẫn không quên "nỗi lo lắng và đớn đau tột cùng" đã tạo tác nên ba tác phẩm đó. Hãy thử tưởng tượng, chàng trai Naipaul 23 tuổi đầu, sống trong giấc mơ trở thành nhà văn. Chàng dồn tất cả tấm lòng và sức lực vào tác phẩm đầu tiên. Thời của chàng, thế giới văn chương Tây phương không ai mấy quan tâm đến chuyện thuộc địa hay hậu thuộc địa là điều duy nhất chàng có thể viết vì một lẽ dễ hiểu, chàng đã sinh ra và lớn lên ở một nơi như vậy. Kịch bản đời sống của xã hội đó chàng vừa là nhân chứng, vừa là diễn viên. Trái đắng đó chàng đã nếm, dâu biển đó chàng đã trải qua, một lần và cho cả đời. Hãy thử tưởng tượng, sau những lần chàng bị từ chối, niềm hy vọng đó lọt vào mắt nhà xuất bản Deutsch, rồi kế tiếp là nỗi thất vọng vì "truyện ngắn bán không được." Chàng vẫn không thể quên, "... điều này vẫn còn là cái bóng đen lớn che phủ đời tôi." Chàng nói, "...khi bạn còn trẻ, hai năm là thời gian dài để chờ đợi. Khi bạn lâm cảnh cùng quẩn, như tôi, hai năm cùng quẩn là thời gian quá dài để chờ đợi. Khi bạn muốn đánh dấu sự hiện diện của mình trong thế giới, đó là thời gian dài để chờ đợi... Hồi đó, rất khó cho tôi để tìm ra việc làm, rất khó cho tôi để tìm một chỗ sống, rất khó cho tôi để tìm tiếng nói chính mình. Rất khó cho tôi, vừa phải làm tất cả những việc đó, vừa phải viết ra những quyển sách ấy, để xuất bản." V.S. Naipaul đã khởi đầu sự nghiệp văn chương như thế.

Trong công bố với báo chí, Hàn Lâm Viện Thụy Điển coi những câu chuyện ngắn của Miguel Street là "sự pha trộn giữa Chekhov và điệu nhạc calypso tạo Naipaul thành nhà hoạt kê và kẻ mô tả đời sống trên đường phố." Con đường có tên Miguel, khu ổ chuột của thành phố Port of Spain, đã được nhìn qua cặp mắt quan sát của cậu bé mới lớn của nhân vật xưng tôi. Ở đó có gã thợ mộc tên tên Popo làm việc tất tả để tạo những "vật không có tên." Ở đó có cô Laura luôn luôn mang bầu, có tám đứa con với bảy đời chồng. Ở đó có tay anh chị tên Bogart chọc trời khuấy nước và sau cùng bị bắt vì tội đa thê... Con đường nối liền những mảnh đời tù túng, buồn, xám. Con đường cũng nối liền những ước mơ vượt thoát, bỏ đi, đổi đời. Có cả thảy mười bảy câu chuyện được kể. Mỗi chuyện mở ra một bi kịch của đời sống riêng tư từng nhân vật. Nhưng ở đây, người kể chuyện không khai thác khía cạnh bi kịch đó. Ông nhìn mọi chuyện trong cái vẻ khôi hài, một thứ "cười ra nước mắt" của Gogol. Tiếng cười theo nhận xét của Octavio Paz không thấy ở Homer hay Virgil mà chỉ được thấy kể từ khi có Cervantes, "là phát minh lớn của tinh thần hiện đại." Milan Kundera nói rõ hơn, "đó là sự phát minh gắn liền với sự ra đời của tiểu thuyết."





Tôi nghĩ Laura là người giữ kỷ lục thế giới.

Laura có tám đứa con.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Tám đứa con của cô có cả thảy bảy người cha.

Dám qua mặt nổi không!

Chính Laura là người đã dạy cho tôi bài sinh vật học đầu tiên. Cô sống cạnh nhà chúng tôi, và tôi có cảm tưởng mình quan sát cô thật gần.

Tôi ghi nhận bụng cô lớn dần lên sau nhiều tháng.

Kế tiếp cô biến đi một khoảng thời gian ngắn.

Và rồi tôi thấy bụng cô nhỏ đi.

Và tiến trình tăng trưởng này bắt đầu trở lại vài tháng sau đó.

Đối với tôi đó là một trong những điều kỳ diệu của thế giới nơi tôi đã sống, và mãi quan sát Laura. Chính cô cũng khá vui vẻ khi nói đến chuyện xảy ra trong đời sống. Cô vẫn thường chỉ bụng mình và nói, "Của này lại đến nữa đây, nhưng chị sẽ quen đi sau ba bốn lần đầu. Tuy thiệt là phiền hết sức."

Cô thường đổ lỗi cho Thượng Đế, và nói về sự tinh quái của đàn ông.

Bởi vì với sáu đứa con đầu tiên, cô đã thử qua sáu người đàn ông khác nhau.

Hat vẫn hay nói, "Có một số người thiệt khó làm cho họ hài lòng."

Nhưng tôi không muốn tạo ấn tượng cho bạn là Laura dùng cả thì giờ cô có vào việc sinh đẻ và lên án đàn ông, và thường xuyên cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình. Nếu Bogart là người nhàm chán nhất trong khu phố, Laura lại là người sinh động hơn hết. Cô luôn luôn vui vẻ và cô lại thích tôi.

Cô vẫn cho tôi những trái mận và xoài cô có; và khi nào làm bánh đường, cô vẫn thường cho tôi một ít.

Ngay cả mẹ tôi vốn không thích cười đùa, nhất là ở tôi, cũng phải cười với Laura.

Bà vẫn thường nói với tôi, "Mẹ không biết vì sao Laura lại để tâm đến con như vậy. Bộ cô ta không có đủ con cái để lo hay sao."

Tôi nghĩ mẹ tôi đúng. Tôi không nghĩ một người đàn bà như Laura lại có thể có nhiều con đến như vậy. Cô thương mọi đứa, dù rằng bạn có thể không tin vào điều này nếu dựa vào ngôn ngữ cô dùng để nói với chúng. Một số những lời quát mắng của Laura khá phong phú đến nỗi tôi chưa bao giờ nghe qua và tôi sẽ không bao giờ quên được.

Một lần Hat nói, "Mày coi, cổ giống như Shakespeare khi cần dùng đến chữ nghĩa."

Laura thường la con thế này, "Alwyn, con thú rộng mồm kia, đến đây."

Và, "Gavin, nếu mày không đến đây ngay, tao sẽ khiến mày địt ra lửa, có nghe không."

Và, "Lorna, con chó đen chân vòng kiềng, tại sao mày không để ý tứ vào chuyện mày đang làm hả?"


*****

Bây giờ, so sánh Laura, mẹ của tám con, với cô người Tàu Mary, cũng tám con, là điều không công bằng. Bởi vì Mary chăm sóc con cái thật kỹ lưỡng, và chưa bao giờ nặng lời với chúng. Nhưng Mary, xin lưu ý với bạn, có người chồng chủ một cửa hàng, và Mary có điều kiện để lịch sự và tử tế với con cái, sau khi đã cung phụng chúng đầy đủ những món rau cải xào thịt, và mì xào, và hủ tiếu xào và những món có tên tương tự. Còn Laura, cô tìm ở đâu ra tiền để lo cho con?

Những người đàn ông tuần tự chậm rãi đi ngang qua nhà Laura mỗi chiều, huýt sáo gọi Laura, không phải là người bỏ tiền ra cho con của Laura. Họ chỉ muốn Laura.

Tôi hỏi mẹ tôi, "Laura ra sinh sống ra sao?"

Mẹ tát yêu tôi, nói, "Con biết không, con nhanh nhẩu quá so với tuổi của con."

Tôi ngờ là có chuyện thật tệ hại.

Nhưng tôi không tin đó là sự thật.

Thế nên tôi hỏi Hat. Hat nói, "Cô ta có rất nhiều bạn buôn bán ngoài chợ. Họ biếu xén cô nhiều thứ, và đôi khi một, hai hay ba người chồng cô cho cô nữa, nhưng không nhiều lắm đâu."

Phần lạ nhất của câu chuyện là ở Laura. Laura không đẹp. Như Boyee một lần có nói, "Cô ta có khuôn mặt giống như cái mặt trên của bình điện xe hơi." Và cô hơi mập một chút.

Tôi đang nói đến thời kỳ cô chỉ mới có sáu đứa con.

Một ngày nọ, Hat nói, "Laura vừa có một người đàn ông mới."

Mọi người cười, "Chuyện chẳng có gì lạ. Nếu Laura có cách của cô, cổ nên thử qua mỗi người đàn ông một lần."

Nhưng Hat nói, "Không, tao nói thiệt. Hắn đến sống với cổ luôn rồi. Tao thấy hắn sáng nay lúc tao dắt bò ra đồng."

Chúng tôi theo dõi và chờ đợi người đàn ông này.

Sau đó chúng tôi mới biết chính hắn cũng theo dõi và chờ đợi chúng tôi.

Không ít lâu sau, người đàn ông này, Nathaniel, gia nhập vào băng của đường Miguel. Nhưng rõ ràng hắn không thật sự là một thành viên trong nhóm chúng tôi. Hắn xuất thân từ tận cùng phía đông của Port of Spain, là nơi chúng tôi coi như là nhơ bẩn hơn; và ngôn ngữ hắn dùng thật thô nhám.

Hắn bịa chuyện hắn là một kẻ từng gieo rắc kinh hoàng ở đoạn cuối phía đông đường Piccadilly. Hắn kể lại nhiều chuyện băng đảng đánh nhau, và hắn cũng muốn cho mọi người biết hắn đã từng tàn phá diện mạo của hai hay ba người gì đó.

Hat nói, "Tao nghĩ hắn chỉ nói nhăng, nói cuội, tụi bây biết không."

Chính tôi cũng không tin hắn. Hắn là người nhỏ con, và tôi luôn luôn có cảm tưởng là người nhỏ con thường quỷ quái và hung bạo.

Nhưng điều thật sự khiến chúng tôi buồn nôn là thái độ của hắn đối với phụ nữ. Tuy không một ai trong chúng tôi gọi là hào hiệp nhưng thái độ khinh miệt phụ nữ của Nathaniel là điều chúng tôi không thích. Hắn luôn luôn đưa ra nhận xét thô lổ khi nhác thấy một phụ nữ đi ngang qua.

Nathaniel có thể nói, "Đàn bà giống như bò cái. Bò cái và họ như nhau."

Và khi cô Ricaud, người đàn bà an phận, đi qua, Nathaniel buông miệng, "Hãy nhìn con bò cái mập kia kìa."

Đó không phải là câu nói đàng hoàng bởi vì chúng tôi đều nghĩ rằng cô Ricaud quá mập để đáng bị chế nhạo, và lẽ ra nên thương hại cô hơn.

Nathaniel, lúc đầu, cố gắng làm cho chúng tôi tin rằng hắn biết cách trị Laura. Hắn gợi ý là hắn vẫn thường đánh đập cô. Hắn hay nói, "Đàn bà, họ thích bị đập cho thật đích đáng, biết không. Tụi bây chắc biết điệu hát calypso này:


Thỉnh thoảng chỉ cần đánh họ ngã xuống Thỉnh thoảng chỉ cần ném họ xuống Đánh bầm mắt họ, đánh sưng gối họ lên Và như thế họ sẽ yêu anh vĩnh viễn

Đó là sự thật phúc âm về đàn bà."

Hat nói, "Thiệt đúng đàn bà là thứ buồn cười. Tao không hiểu một người đàn bà như Laura thấy gì ở Nathaniel."

Eddoes nói, "Tao biết rất nhiều về đàn bà. Tao nghĩ Nathaniel chỉ nói nhăng nói cuội. Tao nghĩ khi đối diện với Laura hắn cụp đuôi từ đầu đến cuối."

Chúng tôi thường nghe các vụ đánh nhau và nghe tiếng trẻ con la hét ầm ỉ, và khi chúng tôi gặp Nathaniel, hắn có thể chỉ nói, "Vừa đập cho mụ đàn bà đó một bài học."

Hat nói, "Vui chưa. Laura không có vẻ gì buồn hơn trước."

Nathaniel nói, "Chỉ có đánh mụ mới thực sự khiến mụ hài lòng."

Dĩ nhiên Nathaniel nói dối. Không phải hắn là kẻ xuống tay mà là Laura. Điều này lộ ra khi Nathaniel tìm cách đội mũ để che giấu con mắt bầm đen của mình.

Eddoes nói, "Hình như người ta viết ra điệu hát calypso cho đàn ông chứ không phải cho đàn bà."

Nathaniel sấn tới định thịt Eddoes, là người vốn nhỏ con, ốm yếu. Nhưng Hat buộc miệng, "Này, hãy thử ra tay với Laura đi. Tao biết Laura. Laura chỉ mới đập mày vừa đủ để mày ở với nó, nhưng đến ngày nó chán mày, cách tốt nhất là mày phải chạy thôi."

Chúng tôi cầu nguyện cho một chuyện gì đó xảy ra để Nathaniel phải rời bỏ đường Miguel.

Hat nói, "Chúng mình không cần phải đợi lâu đâu. Laura mang bầu tám tháng rồi. Còn một tháng nữa là Nathaniel phải đi thôi."

Eddoes nói, "Đó mới thật là một kỷ lục mới. Bảy đứa con với bảy thằng chồng."

Đứa bé chào đời.

Đó là ngày thứ Bảy. Buổi chiều hôm trước tôi còn thấy Laura đứng trong sân tựa vào hàng rào.

Đứa bé lọt lòng mẹ lúc tám giờ sáng. Và, như một phép lạ, chỉ hai giờ sau, Laura đã gọi vọng sang mẹ tôi.

Tôi nấp và lén nhìn.

Laura tựa vào thành cửa sổ. Cô đang ăn xoài, và chất nước vàng loang lổ trên mặt cô.

Cô nói với mẹ tôi, "Cháu bé ra đời sáng nay."

Và mẹ tôi chỉ có thể nói, "Trai hay gái?"

Laura nói, "Bà nghĩ tôi có may mắn hay không chứ? Tôi nghĩ mình thiệt bịnh hoạn. Lại một đứa con gái nữa. Tôi chỉ muốn cho bà biết chuyện này, thế thôi. Thôi, tôi phải đi đây. Tôi phải lo may vá chút đỉnh.

Và ngay buổi chiều hôm đó có vẻ như điều Hat nói trở thành sự thực. Bởi vì buổi chiều hôm đó Laura ra đường và kêu to tiếng với Nathaniel, "Ê, Nathaniel, tới đây."

Hat nói, "Chuyện quái gở gì nữa đây? Có phải cổ vừa sinh con sáng hôm nay không vậy?"

Nathaniel làm ra vẻ ngon lành trước mặt chúng tôi. Hắn nói với Laura, "Tao đang bận. Tao không về được."

Laura sấn tới và tôi thấy cô có vẻ như sẵn sàng đập lộn. Cô nói, "Mày không về? Không về? Tao nghe có đúng không?"

Nathaniel lo ngại. Hắn cố trò chuyện với chúng tôi, nhưng không ai hiểu hắn nói gì.

Laura nói, "Mày nghĩ mày là đàn ông. Nhưng đừng đóng vai đàn ông với tao nghe chưa. Phải, Nathaniel có phải tao đang nói với mày hay không, cái thằng có cái đít như hai ổ bánh mì thiu trong quần kia."

Đó là câu nói hay nhất của Laura, và chúng tôi tất cả phá lên cười. Khi thấy chúng tôi cười, Laura cũng bật cười theo.

Hat nói, "Mụ đàn bà này thiệt quá cỡ."


*****

Nhưng sau khi đứa con ra đời, Nathaniel vẫn không rời đường Miguel. Chúng tôi hơi lo ngại.

Hat nói, "Nếu không cẩn thận, cổ lại có thêm đứa con nữa với cùng một người đàn ông, tụi bây biết không."

Không phải tại lỗi của Laura mà Nathaniel không ra đi. Cô đập hắn nhiều trận và làm điều này một cách công khai hơn trước. Thỉnh thoảng cô nhốt hắn ở ngoài và chúng tôi được nghe Nathaniel khóc lóc và năn nỉ nhẹ nhàng bên lề đường, "Laura, em yêu, Laura, cục cưng, hãy để anh vô nhà đêm nay. Laura, cục cưng, hãy để anh vô."

Bây giờ hắn bỏ quên cả cái thói giả bộ như một tay có thể trừng trị được Laura. Hắn không muốn nhập bọn với chúng tôi nữa, và chúng tôi lấy làm khoái trá về điều này.

Hat thường hay nói, "Tao không biết tại sao hắn không trở về Dry River nơi hắn xuất thân. Hắn sẽ sung sướng hơn ở cái nơi không có văn hóa đó."

Tôi cũng không hiểu tại sao hắn vẫn ở lại đây.

Hat nói, "Có một số đàn ông giống như hắn. Bọn này thích bị đàn bà hành hạ."

Và Laura càng ghét cay đắng Nathaniel hơn.

Một ngày nọ chúng tôi nghe cô bảo hắn, "Mày nghĩ mày cho bà một đứa con là mày làm chủ bà phải không. Đứa con đó ra đời vì tai nạn, mày có nghe thủng không."

Cô đe dọa kêu cảnh sát.

Nathaniel nói, "Nhưng rồi ai chăm sóc con cái cho em?"

Laura nói, "Chuyện đó để tao tính. Tao không muốn mày ở đây. Mày chỉ thêm một miệng ăn phải lo. Và nếu mày không đi ngay lập tức tao sẽ kêu trung sĩ Charles lo cho mày."

Chỉ khi bị đe dọa kêu cảnh sát Nathaniel mới chịu ra đi.

Mặt hắn ràn rụa nước mắt.

Nhưng bụng Laura lại phình ra thêm lần nữa.

Hat nói, "Trời ơi! Hai đứa con với cùng một người đàn ông!"


*****

Một trong những sự kỳ diệu của đời sống trên đường Miguel là không ai bị chết đói. Nếu bạn ngồi xuống bàn với cây viết chì và tờ giấy và cố gắng tính toán, bạn sẽ thấy điều này không thể nào xảy ra được. Nhưng là người sống ở đường Miguel, tôi có thể bảo đảm với bạn là không ai chết đói. Có lẽ họ có bị đói, nhưng bạn sẽ không bao giờ nghe ai nói về điều này.

Con cái của Laura rồi cũng lớn lên.

Cô con gái cả, Lorna, bắt đầu làm đầy tớ cho một nhà ở St. Claire và đi học đánh máy từ một người đàn ông ở đường Sackville.

Laura hay nói, "Trên thế giới không có điều gì giống như giáo dục. Tôi không muốn các con tôi lớn lên giống như tôi."

Vào lúc đó, Laura sinh ra đứa con thứ tám, một cách không cần phải cố gắng như thường lệ.

Đó là đứa con sau cùng của cô.

Không phải tại vì cô đã quá mỏi mệt hay cô đã đánh mất tình yêu đối với nhân loại hay cô đã mất đam mê cung cấp thêm người cho nhân loại. Thực tế là Laura không bao giờ già hơn hay ít vui hơn. Tôi luôn có cảm tưởng rằng nếu có cơ hội, cô có thể tiếp tục có thêm con nữa.


*****

Cô con gái cả, Lorna, một đêm nọ, từ lớp học đánh máy về nhà trễ và nói, "Mẹ, con sẽ có con."

Tôi nghe tiếng rít của Laura.

Và đó là lần đầu tiên tôi nghe Laura khóc. Đó không phải là tiếng khóc bình thường. Cô có vẻ như khóc cho mọi tiếng khóc cô đã giữ lại kể từ ngày cô được sinh ra; cho mọi tiếng khóc mà cô đã cố giấu đi bằng tiếng cười. Tôi từng nghe người ta khóc ở các đám tang, nhưng có khá nhiều giả tạo trong tiếng khóc đó của họ. Tiếng khóc của Laura trong đêm hôm đó là điều ghê gớm nhất tôi chưa từng nghe được. Nó khiến tôi cảm thấy thế giới thật là một nơi chốn ngu xuẩn và buồn, và tôi gần như sắp rớt nước mắt với Laura.

Cả đường phố đều nghe Laura khóc.

Ngày hôm sau Boyee nói, "Tao không hiểu tại sao Laura lại quá giận dữ về chuyện đó. Cổ cũng có khác gì đâu."

Hat thật bực tức, nó rút dây thắt lưng da ra và quật Boyee.

Tôi không biết tôi phải tội nghiệp ai, Laura hay con của cô.

Tôi có cảm tưởng như giờ đây Laura cảm thấy tủi nhục nếu phải xuất hiện ngoài đường phố. Khi tôi gặp lại cô tôi không tin cô là người đã từng cười đùa với tôi và đã từng cho tôi những cái bánh đường.

Bây giờ cô đã thành một bà già.

Cô không còn la mắng con cái, không còn đánh đập chúng. Tôi không biết tại vì cô lo lắng chúng đặc biệt hơn hay đã không còn quan tâm đến chúng nữa.

Nhưng chúng tôi không nghe Laura nói một lời trách móc nào đối với Lorna.

Điều này thật kinh khủng.

Lorna mang con về nhà. Không có lời bỡn cợt nào về chuyện này trên đường phố.

Nhà của Laura là căn nhà chết chóc, im lặng.

Hat nói, "Đời sống thiệt quá sức. Mày có thể thấy chuyện rắc rối xảy đến mà không thể làm được chút gì để ngăn chận nó lại. Rồi mày chỉ còn biết ngồi nhìn và chờ đợi."


*****

Theo tin trên báo, chuyện đó chỉ tạo thêm một bi kịch cuối tuần, là một trong số nhiều bi kịch.

Lorna chết đuối ở Carenage.

Hat nói, "Đó là chuyện thiên hạ hay làm, bơi ra xa, thật xa cho đến khi thật rã rời và không thể bơi được nữa."

Và khi cảnh sát đến báo tin cho Laura, cô chỉ nói thật ít.

Laura nói, "Tốt. Tốt. Tốt hơn là như vậy."
176