This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Anh béo và anh gầy



Trên sân ga của tuyến đường sắt Nikôlai có hai người bạn cũ gặp nhau: một người béo, một người gầy. Anh béo vừa ăn ở nhà ga xong, môi láng nhẫy bơ như quả đào chín . Người anh ta toát ra mùi rượu nho loại nặng, mùi nước hoa cam. Còn anh gầy thì mới xuống tàu, hai tay lỉnh kỉnh nào vali, nào hộp, nào túi. Người anh ta toát ra mùi thịt ướp, mùi bã cà phê . Sau lưng anh ta là một người đàn bà gầy gò, cằm dài – đó là vợ anh ta, và một cậu học sinh cao lêu đêu mắt nhíu lại – đó là con trai anh ta.

- Porphiri đấy à! – anh béo kêu lên khi vừa nhác thấy anh gầy – Đúng là cậu ư? Ôi, ông bạn thân mến của tôi! Bao đông bao hè chúng mình không gặp nhau rồi!
- Trời! – anh gầy sửng sốt – Misa! Bạn từ thuở nhỏ của tôi! Cậu ở đâu ra thế?

Hai người bạn ôm hôn nhau đến ba lần, mắt rưng rưng chăm chăm nhìn nhau . Cả hai đều kinh ngạc một cách đầy thú vị.

- Cậu ạ - anh gầy bắt đầu nói sau khi ôm hôn – Mình quả không ngờ! Đột ngột quá! Nào, cậu nhìn thẳng vào mình xem nào! Ô, trông cậu vẫn đẹp trai như xưa, vẫn lịch thiệp, sang trọng như xưa! Chà, hay thật! À, mà cậu bây giờ thế nào rồi? Giàu không? Lấy vợ chưa? Mình thì có vợ rồi, cậu thấy đấy... Đây, vợ mình đây, Luida, nguyên họ là Vaxenbac, theo đạo Luyte. Còn đây là con trai mình, Naphanain, học sinh lớp ba. Này con, bác đây là bạn hồi nhỏ của bố đấy! Cùng học phổ thông với nhau.

Naphanain ngập ngừng một lát rồi bỏ chiếc mũ mềm xuống.

- Cùng học phổ thông với bố đấy con ạ! – anh gầy nói tiếp – À này, cậu còn nhớ cậu bị chúng nó trêu chọc thế nào không? Chúng nó gọi cậu là Gêxôxtrat vì cậu lấy thuốc lá châm cháy một cuốn sách của thư viện, còn mình thì chúng nó gọi là Ephian vì mình hay mách. Hô hô...Dạo ấy bọn mình trẻ con thật! Đừng sợ con, Naphanain! Con lại gần bác chút nữa nào...Còn đây là vợ mình, nguyên họ là Vaxenbac, theo đạo Luyte...

Naphanain suy nghĩ một lát rồi nép vào sau lưng bố.
- Này anh bạn, bây giờ sống ra sao? – anh béo hỏi, nhìn bạn mình với vẻ đầy hoan hỉ - Làm ở đâu? Thành đạt rồi chứ?
- Ừ, mình cũng có đi làm, anh bạn ạ! Hai năm nay mình là viên chức bậc tám, cũng được mề đay “Xtalixnap”. Lương lậu chẳng đáng là bao...nhưng mà thôi, thây kệ nó! Vợ mình dạy nhạc, mình thì làm thêm tẩu thuốc bằng gỗ. Tẩu đẹp lắm cậu ạ! Mình bán một rúp một cái cơ đấy. Nếu ai mua cả chục hay nhiều hơn thì cậu biết đấy, có bớt chút ít. Cũng cố sống qua loa thế nào xong thôi. Cậu biết không, trước mình làm ở cục, bây giờ thì mình được chuyển về đây, thăng lên bậc bẩy cũng trong ngành đó thôi...Mình sẽ làm ở đây. Còn cậu sao rồi? Chắc là cỡ viên chức bậc năm rồi chứ? Phải không?
- Không đâu, anh bạn ạ, cao hơn thế nữa đấy, - anh béo nói – Mình là viên chức bậc ba rồi...có hai mề đay của Nhà nước.
Anh gầy bỗng dưng tái mét mặt, ngây ra như phỗng đá, nhưng lát sau thì anh toét miệng cười, mặt mày nhăn nhúm, dường như mắt anh ta sáng hẳn lên. Toàn thân anh ta rúm ró, so vai rụt cổ khúm núm... Cả mấy thứ vali, hộp, túi của anh ta cũng như co rúm lại, nhăn nhó... Chiếc cằm dài của bà vợ như dài thêm ra, thằng Naphanain thì rụt chân vào và gài hết cúc áo lại...
- Dạ, bẩm quan trên, tôi... tôi rất lấy làm hân hạnh ạ. Bạn nghĩa là bạn... từ thuở nhỏ, thế rồi bỗng nhiên làm chức to thế, hì hì hì...
- Thôi, cậu đừng nói thế đi! – anh béo cau mặt – Sao cậu lại giở giọng thế? Mình với cậu là bạn từ thuở nhỏ, việc gì cậu lại giở giọng quan cách thế?
- Dạ bẩm quan... Quan lớn dạy gì kia ạ... – anh gầy cười hì hì, người càng rúm ró hơn – Quan lớn chiếu cố cho thế này là đội ơn mưa móc cho kẻ bần hàn đấy ạ... Dạ bẩm quan trên, thưa đây là con trai tôi Naphanain... và vợ tôi là Luida, theo đạo Luyte đấy ạ...

Anh béo định quở trách điều gì thêm, nhưng gương mặt anh gầy toát ra vẻ kính cẩn, lâng lâng hoan hỉ đến mức anh béo cảm thấy buồn nôn, Anh béo ngoảnh mặt đi và đưa tay từ biệt anh gầy.

Anh gầy nắm ba ngón tay anh béo, cúi gập mình xuống chào và cười lên như một chú tẫu: “Hì hì hì”. Bà vợ mỉm cười, Naphanain kéo chân lại và buông thõng chiếc mũ xuống. Cả ba người đều sững sờ một cách đầy thú vị.

Chú thích:

Gêxôtrat - người Hy Lạp, năm 356 trước Công nguyên đã đốt đền Actêmiđa Ephecxcaia để tên mình trở thành bất tử.

Ephian – nhà hoạt động chính trị của Aten thời cổ. Năm 480 trước Công nguyên đã phản bội, chỉ cho quân Ba Tư lối đi vòng qua khe Phermôpinxki. Toán dân binh Xpacta ở Hy Lạp bảo vệ khe núi này đã hy sinh một cách anh dũng.

135

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Bảng Chữ Cái



Có lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: "Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!". Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.
Đột nhiên tôi linh cảm thấy điều gì đó :
- Ai?
Một người đàn ông ngồi yên trên ghế từ bao giờ, ung dung như ông ta vẫn ngồi yên như thế từ lâu lắm, trên chiếc ghế đẩu đã tróc sơn mà ngày trước cha tôi vẫn ngồi khi đàm đạo với tôi. Tay ông ta thu thu vật gì đó màu xám trên đầu gối. Tiếng quát thất thanh của tôi cũng hoàn toàn không làm ông ta bối rối.
- Thế nào, tỉnh chưa? Xin lỗi vì đã đánh thức anh...
- Không, không có gì - tôi nói theo thói quen, mặc dù trong bụng vừa bực bội vừa đầy nghi ngại.
"Ai nhỉ" - Tôi tự hỏi và lúc đó mới nhận ra rằng mình đang ở trong thư viện. Tôi muốn nói cái thư viện cá nhân trên tầng xép với rất nhiều sách quý cha tôi để lại và tôi đã bỏ ra cả tháng trời để kiểm kê và sắp xếp. "Đó là một thư viện trật tự và chuyên nghiệp nhất Hà Nội" tôi vẫn hãnh diện tuyên bố với bạn bè như thế - Thú thực, đôi lúc tôi cũng nói vống số lượng của nó lên với một niềm tin ngây thơ rằng con số sẽ chứng minh cho sự uyên bác của chủ.
Thực ra ông ta vào nhà tôi không phải là điều khó khăn. Nhà tôi luôn mở cửa và cũng không có hàng rào. Tôi căm ghét các loại hàng rào. Tôi từng sống với người Ducơmi và tôi đem về đây quan niệm sống cao thượng của họ. Trong ngôn ngữ của họ không có từ hàng rào. "Nhà tôi nhỏ nhưng không có hàng rào. Bạn hãy đến, rồi hãy đi, như gió". Tôi có câu thơ như thế. Hành lang giữa nhà tôi nằm theo hướng đông-tây, trừ một khoảng thời gian ngắn ngủi giữa trưa, ánh nắng có thể rọi vào chói lọi.
"Ai nhỉ?" Tôi lại tự hỏi và kín đáo liếc nhìn ông già trong lúc ra kéo rèm cửa sổ.
Mặt ông ta rất dài, gầy, tóc thưa thớt, râu bạc trắng, mệt mỏi nhưng chẳng có vẻ gì là độc ác. Bộ pijama rất cũ, ố vàng, trông như may bằng những mảnh giấy xé ra từ một cuốn sách cũ.
Không gian hoàn toàn im ắng, bên ngoài trời tối đen như mực. Tôi ngước nhìn đồng hồ, nhưng nó đã chết từ bao giờ chẳng rõ.
Tôi quay lại, chưa kịp hỏi thì ông già đã nói:
- Anh mời tôi đến mói chuyện về bản thảo cuốn từ điển Việt-Bồ-La...
Ông ta nói và chìa cái gói trên đầu gối. Thì ra đó là tập bản thảo. Ông lật trang bìa, lấy ra một lá thư.
Cả nét chữ lẫn chữ ký đúng là của tôi, nhưng tôi không sao đọc nổi. Sao mình lại viết một cái giấy mời cẩu thả đến thế này nhỉ? Tôi cảm thấy ngượng ngùng. Mình đã gửi thư này từ bao giờ? Và quyển từ điển Việt-Bồ-La nào? Một ý nghĩ hài hước thoáng trong đầu: "Chẳng lẽ ông ta là Alexandre de Rodes?".
Nhưng tôi trấn tĩnh được ngay.
-À, cháu nhớ rồi - Tôi nói dối - xin lỗi, cháu đang ngái ngủ. Bác uống trà nhé...
Tôi pha trà thật nhẩn nha, cố kéo dài thời gian. Ông già nói:
-Nhưng xin lỗi anh, hôm nay tôi muốn bàn chuyện khác, tuy cũng ít nhiều liên quan đến cuốn từ điển. Anh cho phép chứ? Tôi xin trình bày ngắn gọn...
- Vâng, xin mời bác...
- Thế này, liệu chúng ta có thể bỏ trình tự hiện nay của bảng chữ cái đi không?
- ?
- Anh biết rõ đấy, có rất nhiều điều tai hại, hay thậm chí nhiều tai họa, chỉ vì bảng chữ cái bắt đầu bằng chữ A.
- Cái gì? Thay đổi trật tự bảng chữ cái?
- Đúng thế.
- Nhưng bác đang làm từ điển cơ mà?
- Từ điển có bắt buộc phải bắt đầu từ chữ A hay không? Và, từ điển chỉ là chuyện nhỏ...
- Chắc bác muốn nói đến chuyện tranh cãi về chữ E trong sách "Tiếng Việt" lớp 1 chứ gì? - Tôi cắt lời - Thú thật với bác, cháu ớn đến tận cổ chuyện chữ E chữ A ấy rồi.
Tôi đứng phắt dậy xổ ra một tràng đầy phẫn uất:
- Các ông bà tham gia cuộc tranh cãi ấy hoàn toàn nhầm lẫn giữa trật tự của bảng chữ cái với việc dạy chữ nào trước. Dạy chữ E, D hay X trước thì có ảnh hưởng gì đến bảng chữ cái nào!
- Anh không hiểu ý tôi. Chính tôi cũng ớn đến cổ cuộc cãi vã đó. Tôi muốn kiến nghị việc khác hẳn. Tôi muốn thay đổi trật tự bản chữ cái. Nói đúng hơn, tôi muốn có một bảng chữ cái dân chủ hơn.
Tôi hoàn toàn không hiểu ông ta nói gì.
- Thế này nhé - ông ta nói - Nếu trong một đất nước mà anh làm vua cứ làm vua mãi, anh đi cày cứ đi cày mãi, thì có thể gọi là dân chủ được hay không?
- Xin lỗi, cháu không muốn nói chuyện chính trị.
- Không, đây không phải là chuyện chính trị. Đây là vấn đề dân chủ của các con chữ.
- Lại còn vấn đề đó nữa!
- Chứ sao. Tại sao chúng ta cứ phải trói buộc sự vật vào một trật tự nào đó. Tại sao...
- Thôi được rồi - Tôi tìm cớ hoãn binh - Mời bác uống trà đã. Chuyện đâu có đó.
Ông già vui vẻ đồng ý, hình như cũng định tìm cách nào đó giải thích rõ hơn.
Trong lúc chúng tôi uống trà, tôi hết nhìn ông lại nhìn cái thư viện được sắp xếp ngăn nắp của mình.
- Thưa bác, bây giờ cháu xin hỏi. Nếu không sắp xếp theo trật tự ABC thì cuốn từ điển Việt-Bồ-La bác định làm thế nào?
- Làm thế nào đâu phải là điều khó. Làm thế nào là câu hỏi tiếp theo của câu hỏi làm gì. Vậy chúng ta làm gì? Chúng ta phải thay đổi trật tự bảng chữ cái, hay nói đúng hơn là không được giữ một trật tự cố định của bảng chữ cái. Điều đó vô cùng quan trọng nếu chúng ta ý thức được tác hại của việc cố định một trật tự của bảng chữ cái...
Một lần nữa tôi lại nhìn lên những giá sách. Chẳng hiểu tại sao lúc đó tôi bỗng nổi đoá.
- Nói thật với bác nhé, cháu không thấy có gì là tác hại trong việc bảng chữ cái có một trật tự xác định. Ngược lại là đằng khác. Không có nó thì làm sao có tất cả những thứ này? - Tôi chạy đến giá sách và lôi xuống cơ man nào là từ điển, bách khoa toàn thư, danh bạ điện thoại, danh sách hội đồng hương...- Làm sao, bác làm sao với tất cả những thứ này? Bác hãy gọi tên một tác giả đi, cháu sẽ lấy xuống trong chớp mắt!
Ông già ngừng lại, nhưng hoàn toàn không thất vọng. Đợi đến khi tôi ngừng, ông mới khẽ khàng:
- Anh ngồi xuống đi, tôi hỏi nhé. Anh ngày xưa đi tàu, có biết Tùng Quảng không?
Lúc đó tôi mới nhận ra sự bất nhã của mình, bèn ngượng nghịu ngồi xuống.
- Bác người Tùng Quảng à?
- Không, tôi người Sơn Hạ nhưng tôi có một kỷ niệm ở đó, thời Cả Then, chắc anh không biết.
Tôi có nghe nói nhiều đến tên Cả Then, nhưng chỉ biết đại khái ông là thủ lĩnh khởi nghĩa đánh Tây, bị bắt và giết một cách dã man. Nhưng những cái tên quen thuộc khiến chúng tôi trở nên thân tình hơn.
- Hồi đó tôi mới hai mươi bảy tuổi, - ông già nói - đang học trường Sư phạm, nhưng đã tấp tểnh viết văn, làm báo và ngay từ hồi đó đã viết dở cuốn từ điển Việt-Bồ-La này. Năm ấy, sau khi nghĩa quân Cả Then định dùng cỏ khô tẩm nhựa thông đốt tàu Tây bị lộ, Tây cho người lùng sục dữ lắm. Cả Then về sau cũng bị Tây bắt, đem treo cổ. Đêm hôm đó, chúng tôi vừa lên giường thì nghe ồn ào rồi lính tráng ở đâu ập đến, dựng dậy. Vừa bừng tỉnh thì những cái báng súng đã thúc vào lưng đau điếng kèm theo những tiếng quát nạt, sừng sộ. "Thằng Cả Then đâu? Thằng Cả Then đâu, khai ra không chết cả nút". Người ta trói cánh khuỷu đám đàn ông lại, sắp thành hàng giữa sân, còn đám đàn bà thì đuổi cả vào nhà bếp, khoá trái cửa. "Thằng Cả Then đâu?" - Họ dí đèn vào mặt từng người. Chúng tôi run như cầy sấy, sợ đến vãi đái. Một anh sinh viên năm thứ nhất, chúng tôi gọi là dân"tò he", đứng cạnh khóc lóc, van lạy như mưa. Nhưng chúng tôi nào có biết mô tê gì mà khai. Đánh đập chửi bới một hồi, họ lôi chúng tôi vào nhà ăn, chỗ đám đàn bà đang chúi vào một góc vì sợ hãi. Trên chiếc bàn đặt đèn bão, cuộn dây thừng và khẩu súng trường lấp lánh lưỡi lê, một người đàn ông to lớn giọng khàn khàn tuyên bố đếm đến mười, nếu không khai chỗ ẩn náu của Cả Then thì sẽ lôi từng người ra chém, "xem gan chúng mày to đến đâu".
Những thời khắc sau đó căng thẳng và kéo dài như vô tận. Tim tôi đập thình thịch. Nhưng những tiếng đếm ngược khô khốc cuối cùng cũng chấm dứt. Người ta hạ lệnh đem danh sách cùng một thanh kiếm sáng loáng ra, đặt lên bàn cạnh khẩu súng và cuộn dây thừng. Người đầu tiên bị gọi tên là tôi. Chưa kịp định thần, tôi đã bị hai thanh niên lực lưỡng tóm chặt lấy tay, đẩy mạnh ra trước chiếc bàn đặt đèn bão.
Tôi muốn kêu nhưng cổ nghẹn lại. Nỗi uất hận dâng lên trong ngực. Rồi một cảm giác mát lạnh lướt qua sau gáy rất nhanh trước đầu tôi rơi xuống đất và tiếng đám đàn bà rú lên.
Đúng lúc đó cả nhà ăn nhốn nháo. "Bắt được rồi, bắt được rồi". Hoá ra người ta đã bắt được Cả Then trốn trong hiệu đánh giày ở ngay đầu phố.
- Vậy tên bác là...
- "Cái tên không quan trọng...", anh có một câu thơ như vậy đúng không? Quan trọng là từ đó tôi đành bỏ dở cuốn từ điển...Nếu như tên tôi không bắt đầu bằng chữ A...
Chẳng người làm thơ nào không xúc động khi có người thuộc thơ mình.
- Vâng, bây giờ thì cháu hiểu rồi...
- Thì tôi cũng chỉ cần có thế. Thống nhất được với nhau rồi, chúng ta sẽ có cách.
- Vâng, đúng là không thể xem thường được
- Đúng thế, không thể xem thường được.
Ông già nói thế rồi đứng dậy.
- Dù sao thì cũng muộn rồi. Tôi để lại cuốn từ điển anh xem nhé. Lần sau ta sẽ bàn cụ thể.
Tôi đưa ông già xuống cầu thang. Ông đi rất nhanh.
- Anh khá lắm. Tuổi trẻ phải thế. Cũng như tôi ngày trước. "Nhà tôi nhỏ nhưng không có hàng rào. Bạn hãy đến, rồi hãy đi, như gió". Có phải thơ anh không nhỉ?
Chẳng người làm thơ nào không xúc động khi có người thuộc thơ mình.
Tôi mở cửa cho ông già và rùng mình vì lạnh. Mãi lúc đó tôi mới chợt nhớ rằng ông già đã chết.
"Không thể như thế được" - Tôi tự nhủ và chạy lên tầng mái.
Cuốn từ điển vẫn nằm đó nhưng đã cũ đến mức không còn đọc được chữ nào.
Trên bìa chỉ có một vết xám đen. Hình như là vết máu.
181

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Hoa Nở Vườn Đêm



     Dông nhớ như in rằng lúc ấy anh đã đặt chén nước xuống và cảm thấy mình bình tĩnh vô cùng. Vì sao anh lại có thể bình tĩnh đến gần như thản nhiên như thế nhỉ?

Sau, anh nghĩ có lẽ là nhờ ở mảnh vườn nhỏ trước nhà. Mảnh vườn có một cây bồ kếp hoa vàng, hai gốc cam sành, một cây ổi, một cây mít tơ, vài cây cau và chen chúc ở dưới tầng thấp là dược thảo và hoa các loài, với hàng rào dâm bụt vây quanh ba phía. Mảnh vườn chỉ có vậy, nhưng toàn bộ hiện thực hình như lại không nằm trong cái hiện hữu đo đếm được, nó còn tồn tại ở dạng tiềm ẩn, như một tiếng nói thầm chưa được phát ra. Mảnh vườn được chăm tỉa kỹ càng, nhưng vẫn có cảm giác nó tồn tại chỉ là để nhằm trình bày một trạng thái cân bằng, điềm đạm và mơ màng ước vọng thôi. Mảnh vườn toả bóng vào tâm hồn Đông, vật phân thân của anh.

- Hoa à! Anh muốn nói với em một câu nữa. Em hãy nghĩ lại một lần nữa đi.

Tiếng Đông nhẹ như hơi gió từ mảnh vườn thổi qua khuôn cửa, lạc lối vào nhà. Và anh biết, cũng như hơi gió vô tình kia thôi, đó là một lời nói vô nghĩa. Hoa, người vợ sắp chia tay anh, một vóc hình đầy đặn, một khuôn mặt trăng rằm, không đáp lời anh, lặng lẽ xếp nốt mảnh áo mưa vào chiếc va li đã mở nắp trong cái dáng hơi cúi xuống, lộ vầng trán phẳng và cái dọc mũi cao xinh xắn của chị lấm tấm mồ hôi. Có lẽ lúc đó chị cũng có phần xúc động. Anh hiểu chị. Chị là nữ diễn viên chèo. Chị đa cảm như bản chất nghệ sĩ.

Chị đang xúc động, anh nhận ra thế, vì nhìn thấy mắt chị đẹp như mắt vẽ lúc này nhớt nhát ánh nước. Anh nhận ra thế, khi chị ngẩng lên, đưa mắt nhìn căn buồng nhỏ, cái nhìn lần cuối trước khi ra đi. Nghĩa là khi dứt áo ra đi chị cũng áy náy, cũng bứt rứt, dù là tí chút. Nghĩ vậy, anh thở ra nhè nhẹ, anh thấy được an ủi. Có thế chứ! Vì lẽ nào chị không hiểu rằng những ngày gian khó nhất của chị và anh đã qua. Ôi, lấy nhau mười năm thì năm năm trời là vật lộn với miếng ăn, việc nuôi nấng hai đứa con thơ. Anh dạy học. Lương ông giáo trơ hoẻn không đủ đút miệng. Chị theo đoàn đi diễn, dù là đóng đến vai chính như Xuý Vân, cũng không đủ ăn, nếu không biết chắt bóp tằn tiện, bòn mót bán từ quả cam quả ổi, mớ bồ kếp trong mảnh vườn nhỏ này.

Nhưng mà chẳng lẽ trong tâm ức chị chỉ rặt những kỷ niệm u buồn? Không, những ngày gian khó nhất đã qua đi như tất yếu của phép biện chứng khổ tận cam lai. Hai đứa con sởn sơ. Anh đỡ gầy gùa, dẫu anh đã sống với một tình yêu có đặc điểm là từ bỏ bản thân mình. Còn chị, lúc này chị đã có thể chuyên tâm vào vai diễn của mình. Xuý Vân, một vai diễn nặng, riêng màn nàng giả dại mệt bẳng cả một đêm diễn các vai khác. Chị vào vai nhuần nhuỵ đến mức mỗi đêm diễn xong, mãn nguyện sung sướng như biến đổi cả tâm tính. Anh à, diễn xong, em vào hậu trường thì có một ông trung niên bước vào: Thưa chị, chị cho phép tôi hỏi: Mái tóc dài mượt như huyền thoại của chị là thật hay là giả? Anh có biết em trả lời ông ta thế nào không? Em bỏ cặp, thả cả mớ tóc xoã xuống tận khoeo chân em. Cả một thác nước đen huyền. Trời! Người nọ kêu to sung sướng. Anh có biết bí quyết gì mà tóc em dày và mượt thế không? Chị lay vai anh và nhí nhảnh như thiếu nữ bảo rằng: đó là vì chị năng gội đầu bằng quả bồ kết hái từ cây, bồ kết ở trong vườn nhà. Náo nức hiện ra ở trong giọng nói. Chị bỗng biến thành kẻ đa ngôn và nhiều khi sâu sắc nữa. Vai diễn đâu có phải chỉ là những câu hát và những động tác hình thể. Chị khoe với anh rằng, chủ đề của vở chèo Xuý Vân trước đây chị vẫn đóng là phê phán thói bạc tình của đàn ông. Còn bây giờ, sở dĩ chị đóng vai này trội bật hắn lên, là vì ông đạo diễn đã xoay đổi chủ đề vở diễn sang trách cứ người đàn bà nhẹ dạ, và chị là người đầu tiên thể hiện thành công chủ đề này.

Cầm chùm bồ kết, từ mảnh vườn, anh bước vào nhà và đặt nó lên chiếc va ly đã đóng nắp của chị. Cám ơn anh. Chị nói khe khẽ, không ngẩng lên. Rồi nhấc chùm bồ kết bỏ vào túi xách tay và đứng dậy, nhìn đồng hồ tay. Còn một giờ nữa. Mười giờ có chuyến bay Hà Nội - Paris.

***

Chuyện buồn thế mà không lọt ra khỏi cửa, nếu không phải là người có gan lớn, thì ắt hẳn còn có lý do ngoại cảnh. Đồng là thế. Ngoài giờ dạy, anh chăm chút mảnh vườn. Hái hoa kim ngân, tỉa lá cây bạch đồng nam, vun gốc cam, bẻ cành khô cây bồ kết, công việc quay vòng tuần hoàn. Cây lá không chỉ là cây lá. Cây lá còn là hương thơm sắc màu, là nhịp điệu thời gian và hy vọng. Thêm nữa, về lâu dài, con người không thể sống mãi trong khinh miệt và hận thù. Huống hồ, cạnh anh còn bạn bè.

Ông giáo Tuân bạn anh, có căn nhà hai tầng, một bận đi dạy học về, giữa ban ngày bắt gặp cảnh vợ mình đang say đắm trong cuộc tình với người học trò cũ. Lặng lẽ ông đi lên gác trên và từ đó lấy căn gác làm nơi trú ngụ, sau khi được người vợ trả lời rằng: chị không còn yêu ông, chị đã yêu người học trò nọ.

- Tình yêu bao giờ cũng đi xa hơn lẽ phải thông thường.

Đến chơi với Đồng, ngồi uống nước trà ở hàng hiên, nhìn ra mảnh vườn yên tĩnh đã thưa lá khi vào thu, ông giáo Tuân nói. Hai người đàn ông quay lại nhìn nhau. Liệu có ai trên thế gian này có nỗi đau đời ê chệ hơn họ không?

Đồng lẩm bẩm nhắc lại câu nói của ông giáo Tuân, rồi khe khẽ thở dài. Thật sự, anh vẫn nhớ Hoa nỗi nhớ nôn nao. Nhưng trong cảm nhận sự trống vắng bóng hình người phụ nữ vẫn thấy nó hao hao giống như những ngày chị đi diễn ở những nơi xa.

- Thời gian là ngọn gió lớn, dai dẳng, nó sẽ sẵn sàng thổi tắt nghỉm những cuộc tình ngắn ngủi. Bất thần, nghe câu nói gần như buột miệng của Đồng, ông giáo Tuân liền bỏ cặp kính viễn, ho hó cặp môi nhỏ, khe khẽ kêu.

- Sao? Anh định nói gì, Đồng?

- Đó là một câu thơ của một nhà thơ tôi yêu.

- Tôi biết. Nhưng sự thể câu chuyện là thế nào.

Chẳng lẽ, chỉ là một lần chị ấy lưu diễn ở Paris?

Ông giáo Tuân nói vội vã. Vội vã vì biết rằng Đồng sẽ không bao giờ trả lời. Đừng động vào cây mùa lá rụng. Lại một tứ thơ của một nhà thơ Đồng yêu như chợt đến với ông.

Trên mảnh vườn, trời thu lúc ngả chiều ngổn ngang mây xám.


***

Thương Đồng gặp điều bất hạnh, bà nội từ Hưng Yên lên đón hai đứa con anh về quê. Bà cụ bàn, hay là bán mảnh vườn, căn nhà này đi, xin chuyển về dạy ở trường huyện, phần nữa cũng là để Đồng kế thừa mảnh vườn, căn nhà của mẹ ở làng quê. Bà cụ có còn ai là con trai nữa đâu, ngoài anh. Thấy anh im lặng, bà cụ chép miệng. Người tiếc còn chẳng được, tiếc gì đất đai, nhà cửa. Đồng vẫn không nói. Lòng dạ dẫu ngổn ngang thì vẫn đang rì rầm chảy một dòng hoài niệm trong trẻo thương nhớ. Con người sống theo cảm xúc bằng bản năng, biết đâu là dại, biết đâu là khôn, là may, là rủi mà lường.

Hết giờ dạy học, soạn bài, chấm bài, Đồng lại một mình một bóng tha thẩn trong mảnh vườn. Bồ kết ra hoa, bồ kết kết quả. Quả bồ kết xanh xanh ngả sang vàng tro, rồi đen bóng như sừng. Ông giáo Tuân đến xin mấy quả về đốt trong buồng thằng cháu nội ba tuổi đang lên sởi.

- Bồ kết làm không khí thanh sạch. Đồng nói: Hồi chiến tranh, tôi làm cần vụ kiêm trợ lý văn hoá cho một ông tướng, cứ ba ngày một lần tôi phải đốt bồ kết xông căn nhà hầm cho ông.

Câu chuyện chỉ dừng ở đó. Còn đoạn Đồng gặp Hoa trong đoàn văn công đến biểu diễn ở binh trạm, anh không nói. Những ngày ấy nhẹ và thơm như một làn hương vương vấn mãi, và mơ hồ như không có thực.

Ông giáo Tuân nói:

- Đứa cháu nội là một liều tiên dược với tôi. Càng sống càng thấm thía, cái nghĩa sâu kín của cuộc đời đi mãi vẫn không hết.

Đồng im lặng. Đồng biết, cũng như Đồng, ông vẫn không nguôi thương nhớ người vợ bạc bẽo nọ. Gần đây, chị cùng gã chồng trẻ chuyển cư vào Sài Gòn. Gã đàn ông thật sự là một kẻ cả thèm chóng chán. Mà tình yêu thì không phải là một cuộc phiêu lưu, không phải một sự việc tự đặt ra để thoả mãn tính tò mò. Nghe nói, giờ chị sống trong sự hắt hủi của gã. Thằng cha trẻ hơn chị cả chục tuổi. Bốn mươi nhăm tuổi, chị đã ở bên kia dốc của đời người rồi.

- Khi cô ấy chuyển cư vào Nam, rao bán cái căn nhà dưới, tôi đã có ý khuyên, nên giữ lại để phòng thân - Ông giáo Tuân kể. Nhưng cô ấy không nghe. Chắc là sợ tôi chiếm lại. Chậc, ra toà rồi, nhà cửa, tài sản chia đôi hết, tôi chiếm lại sao được. Anh có biết cái bi hài khi phân chia tài sản không? Hai tầng nhà, mỗi bên một. Hai cái nồi, mỗi bên một. Cứ thế, đến cái quạt tai voi. Cô ta bảo: Anh lấy cái cánh, tôi lấy cái bầu. Thật là cưa đúc đục suốt, thật là cạn tàu ráo máng!

- Trời!

- Tất nhiên, ai lại thế. Tôi bảo: Thôi, cô lấy hết đi.

Tôi cho cô ấy tất. Hừ, người còn không tiếc nổi, huống hồ...

Thốt kêu thầm trong lòng, Đồng ngẩn ngơ trong xót xa, và đăm đăm nhìn ông giáo, bỗng thấy kính trọng ông vô cùng. Dẫu sao thì Đồng vẫn còn may mắn hơn ông. Đồng chưa mất hết. Đồng còn mảnh vườn, mảnh vườn cho anh sự cân bằng, yên tĩnh và những ước ao, mơ mộng.

Mùa đông năm ấy rét se sắt. Cây cối trong vườn rụng lá nhiều hơn mọi năm. Riêng hàng rào dâm bụt vây quanh hoa nở rộ, đỏ gay gắt, xa xỉ và phung phí vô cùng, đến độ mỗi sáng trở dậy, ra vườn thấy chúng, Đồng lại ngẩn ngơ: Hoa định kết thành dải băng lớn đón chào nỗi vui nào vậy? Sau này, một đêm cuối mùa đông, đang hậm hụi lao lưỡi thuổng để bưng đi một gốc cau ra khỏi bóng râm của cây mít, Đồng bỗng dừng tay. Hình như có tiếng ai đó vừa mở cửa vườn bước vào. Thót tim, Đồng đứng lặng. Lạnh rợi mà trán Đồng nháng một lớp mồ hôi mỏng. Cạnh nơi anh đứng, hoa nhài nở trắng rười rượi, loa loá cả một vùng đất. Sát khóm nhài, trên cái chồi lớn xanh ngắt, một đoá ngọc trâm đang xoè cánh, trắng và lớn như hoa đại. Vương vương trong không khí anh hít thở là hương thơm của các loài hoa nở đêm. Hoa không chỉ là hoa, hoa còn là giấc mơ của con người.

- Ai đó?

Thảng thốt, Đồng quay lại phía sau, ngơ ngác như giữa chiêm bao. Cuộc sống, nếu không còn mong ước thì chẳng có gì để mất cả nữa, thì thật sự là chẳng nên sống làm gì nữa!

Mùa đông năm ấy qua, mùa xuân năm sau tới, như đêm qua ngày tới, không hấp tấp, vội vàng, vì chẳng có toan tính, cũng chẳng vì xót thương ai. Thời gian như ngọn gió lớn thổi bền bỉ qua tất cả những ngọn lửa tình. Càng nghĩ, càng thấy cái nghĩa sâu kín của đời sống ân tình chẳng bao giờ đi thấu tới tận cùng được. Đêm ấy, Đồng mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Anh đang đánh cây cau non trong vườn thì thì Hoa vợ anh đẩy cánh cửa vườn bước vào. Ôi, Hoa đã về! Vợ anh, người anh yêu quý không gì sánh nổi đã trở về. Vẫn gương mặt hồn hậu xinh đẹp ấy. Vẫn mái tóc dài mượt mà như huyền thoại được nuôi dưỡng bằng nước bồ kết hái trong vườn nhà. Nhưng chị khóc nghẹn ngào và day dứt. Chị nói: Anh mắng em đi. Anh đánh em đi. Em đã phản bội anh. Sao em ngu dại, hư hỏng thế! Ông giáo Tuân đến chơi. Đồng kể lại giấc mơ nọ cho ông nghe.

Nghe xong, ông nói: Tôi tin sẽ là như thế! rồi ông ngả người lên lưng chiếc ghế mây, đưa mắt lặng lẽ ngắm nhìn mảnh vườn trước mặt. Ông ước có được một mảnh vườn nho nhỏ như của Đồng.

155