This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2005

Bà Xoa



Madame . . . Francoise .

Năm 1955 bước qua 1956, hai anh em con nhà cô nhà cậu cuả tôi, cùng về quê ăn tết . . Người về từ Sàigòn! Rất hách.
Bấy giờ đường giao thông giữa các tỉnh miền Trung với Sàigòn chỉ mới được nối liền sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh tiêu thổ (1945 - 1954) .
Biết chừng đâu bạn bè, người thân sẽ túm tụm lại mà hỏi cho biết chuyện từ xa về. Vốn là học trò nhà quê, lại nghèo, non một năm ăn học ở Sàigòn, chỉ ngốc nghếch thêm ra mà thôi. Hai đứa lo lắng ra mặt.
Sự thay đổi quá nhanh ở cái thị trấn (mới được Quốc gia tiếp thu), như tỉnh lỵ QN này, quả tình khiến anh em tôi sửng sốt. Ở đâu, mình cũng thành lạc hậu.

--- Tụi bây lạc hậu . . .rõ .
Đó là lời khiển trách cuả một anh bạn lớn tuổi, đang làm việc cho phòng Thông tin Hoa kỳ, tại đây.
Anh nói cho tụi tôi biết nhiều chuyện . . . Mới nghe đã điếng hồn.
" Hai con nhỏ (con nhà lành ) . . . mà tụi bây hỏi thăm, thì đã là (rách mêm). . . ở cái khách sạn . . . này này.
"Bà chủ khách sạn là bạn cuả ba me tụi nó. Ba tụi nó là công chức hồi thời Tây. Giờ đã mất rồi. Mẹ tụi nó, khuê các kiểu này, lấy tiền đâu nuôi con. Tụi nó năm nay trỗ mả, trông mát mắt lắm, chứ không phải như hồi còn tản cư đâu"

Hoặc anh lại nói:
"Tụi bây muốn biết, tao dẫn xuống xóm chợ, coi chơi cho biết. Một bà . . . mẹ chiến sĩ mới hồi cư. Vậy mà bọn Đại uý, Trung uý, Thiếu uý, từng ở trong Nam ra ngoài Bắc, đánh trận Điện Biên phủ, nay trở về, một xưng o, hai xưng mệ đối với bà, ráo trọi."
Anh ăn nói ngang phè, bừa phứa:
--- Cụ Hồ, Cụ Ngô . . . Hai cụ ngồi trên vách, muốn biết sự đời. . . phải rử chân, bò xuống đất. Phải kiếm tao . . . Muốn đi chơi đâu, tao dẫn tao chỉ cho mà đi."
Cái lối nói cuả anh, nghe sao mà nó ráo hoảnh.

Mười năm sau đó, tôi lại về đây làm anh thầy giáo.
Mấy đứa hỉ mũi chưa sạch, mới đó mà đã là Tú tài, Cử nhơn, Kỷ sư, Bác sĩ.
Những anh Thiếu uý, Trung uý ngày trước giờ thành ông Trung tá, Đại tá. Làm lớn cả.
Mấy ông thầy giáo quèn quèn, có khi đã thành Dân biểu, Thượng nghị sĩ.

Một tối nọ, tôi theo vợ ra phố. Mụ thả tôi ngồi ở nhà hầu chuyện bà má vợ để đi gội đầu, chải tóc.
Một bà khách hàng, hay nguời quen thuộc, cũng đến nhà, rồi ngồi ăn trầu, nói chuyện với bà má vợ tôi.
Bà má quay sang chỗ tôi ngồi làm rễ, mà hỏi:
--- Thằng L , con có biết Mệ . . . đây là ai không?
--- Dạ thưa má, xin lỗi . . . Con chưa được biết . . .
Bà khách ấy liền nói:
--- Anh ni là chồng cuả con M. của chị phải không? Anh là giáo sư, anh dạy mấy thằng con tôi mà . . . Tui là Mụ Xoa đây.
--- Con . . . chào Mệ.

Tôi tỏ ra biết cung kính đối với một người lớn tuổi, và là người thuộc hoàng phái.
--- Mệ với Ôn . . . cái con khỉ mốc. Mụ Xoa thì là Mụ Xoa.
Tôi đã thấy dễ dàng hơn và thích thú khi được dịp tiếp chuyện với bà.
--- Mấy năm . . . hồi đó, vì sao mà Mệ vào chi cái đất . . . QN này cho nó cực . . .
--- Hồi nớ tui lấy chồng Tây. Nó là Quan ba (bây chừ là . .. Đại uý) Lấy chồng thì đi theo chồng . . .Cái anh ni khéo hỏi.
Rồi bà cười toe toét.
--- Nó về bên Tây . . . hồi mô, hồi tê rồi . . . Nó có vợ bên Tây mà . . .
--- Chắc mệ có tên . . . như lâu nay ai cũng gọi thế, đó là tên Tây, tên Đầm?
--- Mô . . .? Con gái tôi tên là Francoise. Gọi theo tên con . . . Con mệ Xoa này mà đầm với điếc chi . . . Tội tôi quá anh ơi.
Bà má vợ tôi, xen vào:
--- Thằng L . mày mà gặp Mệ Xoa, mặc sức mà mày hỏi chuyện . . .
--- Nhiều anh thầy giáo (lập) nghiêm lắm. Họ đâu thèm nói chuyện với con mụ này . . Ba cuả thằng Bò thằng Nghé, hồi nớ cũng lập nghiêm . . .
Bà cười toe toét. Tôi chưa hiểu.
--- Nó là học trò anh đó. Nó đi học Sài gòn, Sài ghiếc gì rồi. Tui đâu có thèm biết . . . Nó học mà không ra chi, tôi chửi cha nó. Tui cực khổ như ri lâu nay là tại hai cái thằng nớ.
Rồi mệ xoay qua nói chuyện hàng chuyện hoá gì đó với bà má vợ tôi:
--- Bà P. L này, bữa truớc tôi có đem cho con mệ Khán một chuỗi ngọc, với mấy cái hột, đẹp nước lắm. Nó coi qua rồi chê ỉ chê ôi. Tui tức cái mình. Trước đó tui đưa cho con vợ thằng Hoá mấy món đồ dỏm. . . Bà biết không, con vợ thằng Hoá đem vào, con mệ Khán nhắm mắt trả tiền. Mụ Khán lại đem khoe với tôi. Tôi chửi vào mặt:
--- Chị dại cuả . . . lắm. Con vợ thằng Hoá mà đem c. . . cho chị, thì chị tin là vàng. Mấy món nớ là đồ dỏm. Tôi đưa cho hắn, nhờ hắn bán cho mấy con mẹ Dân biểu, Dân biếc . . trong Sài gòn. Ai ngờ hắn bán cho chị . . .
--- Thằng chồng chị bây chừ là Đại tá, bấy lâu nay "bỏ mạng chiến trường" là để cho chị ở nhà cho con vợ thằng Hoá, chừ là bà Dân biểu. Con vợ cuả Dân biểu Hoá, thằng nớ hắn núp vô chuà trốn lính. Chừ vợ nó phỉnh chị . . . Sao mà chị dại cuả quá sá, rứa . . .tề !

Tôi nảy giờ vờ đi pha thêm nước trà, như không nghe đến chuyện buôn vàng bán ngọc. Bà Xoa cũng vờ như là giữa trời đốt đống rơm, chứ cũng chẳng phải để cho tôi, anh thầy giáo nghèo nghe đến chuyện ngọc đá, vàng thau . . .

--- Con nghe chưa đó L. Mệ Xoa . . . nói, có mầy nghe . . .thì là vưa.
--- Dạ Thưa . . . , con có nghe . . . Mệ nói chuyện với má . . .

Rồi cứ thế, có khi mỗi tối, có khi cuối tuần, tôi lại tìm cách ra phố mà hầu chuyện Mệ Xoa.
--- Anh biết không. Hồi thằng Tôn thất Khanh lên làm tỉnh trưởng, nó cho tài xế xuống nhà chở Mụ O nó là tui vào trong nớ. Nó tửởng đâu tôi lạ lùng chi vời cái . . . tư thất cuả hắn.
--- Ông Đại tá này là người hoàng phái. Nghe người ta nói ông bình dân lắm.
Tôi thưa.
--- Bình dân với chả bình dân, Hắn làm quan với ai chứ hắn làm quan với tôi mà được à.
--- Mệ ở trong Quảng từ hồi mô chừ. Răng ông Đại tá sinh ra ngoài nớ, biết Mệ . . ở đây mà tìm.
Tôi nhại lối nói người hoàng phái bao giờ cũng chả hay.
--- Cái anh ni khéo hỏi. Hắn là con là cháu, hắn phải tìm tôi chứ. Hắn không biết thì có thằng cha hắn biết . . . Cha hắn chưa chừng hồi xưa cũng là lính cuả bố con Xoa . . . Tui mô có biết hắn là thằng nào . . . ra thằng nào.
Bà cười rõ lớn. Tôi cười theo như thướng một tiếng trống chầu.
--- Anh biết không. Hắn hỏi tôi làm nghề chi mà sống. Tui bảo tui đi bán Quân trang, quân dụng, hàng quân tiếp Liệu. Tui buôn bán áo quần củ cuả Nhà binh. Có gì tôi bán nấy. Hắn nghe rứa hắn sợ . . . chết mồ tổ cha hắn . . .
Tôi cười ầm lên:
---- Rồi răng nữa Mệ?
--- Hắn bảo hắn muốn giúp đỡ tôi. Hắn không muốn tôi buôn bán như rứa cực khổ . . .
--- Ông Đại tá mà muốn giúp bà Mụ O, thì đâu có khó . . .
--- Anh nói nghe mà hay nhỉ. Hắn bảo . . .
Tôi chờ mệ nói tiếp, đầy vẻ kiên tri`:
--- Ít bữa nữa đây . . . hắn sẽ giải toả khu nhà dưới chợ , gần Sư đoàn . . . Hắn bảo sẽ cấp cho tôi mấy lô đất ở Bến Xe Ngưạ . . . Tôi cất phố buôn bán , đừng bán hàng lậu , hàng nhà binh . . .
--- Như vậy là cơ hội tốt . . . quá.
--- Thôi đi anh ơi . Đừng có nghe . Hắn phỉnh tôi đấy .
Tôi bảo cho hắn biết . . ." Anh đừng có phỉnh tôi .Anh đem cuả làng làm ơn ông xã . Anh có lòng tốt , anh giúp tôi tiền . Tôi sang cái lều trong chợ . Anh giúp tôi tiền tôi mua vô bán ra . Tôi trả dần dần cho vợ con anh mỗi tháng . Chừ anh lấy đất công mà cho tôi , tự dưng tôi có mấy lô đất khống lộng , chúng chửi cho trốc mồ cha mả ông nhà anh . . . Sao anh không giúp cho tôi khi mà anh chưa làm Đại tá tỉnh trưởng . . . Thằng chó nào nó vẽ cho anh như vậy là nó " bỏ thuốc (độc) " cho anh uống . Chớ có mà dại . . .Làm quan ,không dễ chi mô ."

Một hôm khác , như một thói quen , tôi lại chạy về nhà vợ để hầu chuyện mệ Xoa . Vừa thấy mặt tôi , Mệ bảo :
--- Cái anh thầy giáo này răng không ở nhà mà chấm bài chấm vở , không ở nhà mà . . . ngủ với vợ .
--- O ơi ! Mệ ơi ! Con ngủ cả ngày nay rồi .Nghe Mệ kể chuyện xưa tích củ , chả sướng sao !
Dần dần , bà đã thây tôi thân quen hơn . Tôi cũng thấy vậy . Nhiều khi không phải giữ gìn như là ông thầy giáo cuả các con bà .Tôi cũng xưng là con ,xưng là cháu, gọi bà bằng o cho nó tự nhiên hơn .
--- Anh biết thằng Bò thằng Nghé tôi rồi chứ .
--- Dạ , cháu có nghe N , vợ cháu nói .
--- Rứa đó . . . Chừ nó lớn , nó biểu gì tôi nghe nấy . Mạ thương con , mạ phải hy sinh . . .
Tôi giật mình . Không khéo bà lại nghĩ rằng chuyện gì giữa bà và mấy đứa thằng Bò ,thằng Nghé mà vợ tôi có biết lại thóc mách cho tôi hay chăng .
---Hình như mấy em đó có sinh hoạt trong Gia đình Phật tử , ngành Thiếu . . .
--- Tui mô có biết. Nó ưng đi tu , cũng kệ cha nó . . .
--- Hồi xưa , nghe má cháu nói thì Mệ có học Đồng Khánh . . .
--- Tui nói dóc đó mà. " À beau mentir qui vient de loin " , Nói dóc cho vui .
--- Thời có Ông Quan ba ở đây , chắc Mệ sống an nhàn . . .
--- Suốt ngày , đánh tứ sắc . . . chả có phải mần ăn cực khổ như vợ con các anh bây chừ . . .
--- Hồi đó thì mấy ông Tây bà Đầm cũng biết đánh tứ sắc sao ?
--- Mô . . .? Mấy mụ Phán trong Toà sứ , mấy mụ vợ cuả các ông làm ở Sở Lục lộ , Sở Mật thám . . .
--- Đánh tứ sắc , mất thì giờ , không sát phạt . . . mà sao mấy bà ham như thế ?
--- Nó ghiền hơn là ghiền đàn ông đó anh ơi . Mấy con mẹ Phán . . . thường thì đem tiền tới cúng cho con mẹ Phó sở mật thám . . . Đánh cũng lớn lắm . Có khi thua bạc trăm . . . Bạc hồi nớ .
--- Hồi nớ , , , tôi nhớ có một lần . . . tôi cho con mẹ Bùi Trọng Lệ một chiếc guốc lên đầu . . .
--- O mà cũng dữ thế à ?
---. . .mô ? Gặp bữa bài cuả mụ nó xấu ,hoặc mụ ưng tới lớn , mụ xuống rác , ăn gian . . . Mụ ăn quen , tôi bắt được . . . tôi dạy cho mụ . . . biết khôn mà chừa cái thói . . . ăn gian , ăn hiếp người ta .
--- Thế o không sợ Ông Mật thám sao ?
--- Nó không sợ tôi thì thôi chứ mắc mớ gì tôi sợ nó .
Tôi chợt nhớ ra rằng Mệ là người hoàng phái , và là vợ một ông Quan Ba người Pháp .

Hình như vào những năm có Đại chiến Thế giới , và khi Hiến binh Nhật vào Đông dương thì một số binh lính , Sĩ quan Pháp phải về nước hay đi trấn thủ ở một nước thuộc điạ nào khác .
Cô Francoise , con gái cuả ông Quan Ba tây , cũng về bên ấy . Lấy chồng , và ở luôn bên Tây chăng .
Bà Xoa , trong những năm sau 1945 đã bị kẹt lại QN . Rồi bà tái giá , và sinh ra hai thằng Bò thằng Nghé . Gia đình đi tản cư , sống ở một vùng quê , hay vùng có phố chợ nhỏ . sống qua ngày trong một nếp sống không quen thuộc . Ăn dần mòn hết vốn liếng , vòng vàng .
Sau hiệp định Genève , bà trở về tỉnh lỵ . Bà quen thuộc với đời sống thị thành . Bà bắt kịp cái nhịp sông xô bồ . Bà khai thác nó .
Nơi này,lại trở thành một trung tâm Hành chánh và Quân sự .Nơi này có ánh đèn điện sáng trưng . Có công ăn việc làm nhiều nhặn hơn . Kiếm đồng tiền có khi cũng không phải đổ mồ hôi , dầm mưa dãi nắng như hồi còn chiến tranh .Hơn ai hết , bà biết rõ những nhu cầu giải trí cuả mấy ông nhà binh , vừa ngớt chiến chinh . . . Tiền nhà binh , tình nhà thổ .

Vào những năm có hiệp nghi Ba lê , bà dã có một ước vọng nhỏ : dẫn hai đứa con trai về ngoài nớ cho nó biết họ biết hàng .
" Họ nội nhà nó cũng làm quan làm gia đã bao nhiêu đời . Tụi nó học xong , ra trường lại đi dạy học . Cái nghề nhà cuả ông nội, ông cố cuả nó .
Nhưng chả có thằng chó nào muốn về miền Trung . Ngoài mình mưa gió lụt lội . Nó biên thư bảo sẽ xin đi dạy bất cứ tỉnh nào trong Sài gòn .Thì cũng được chứ có răng mô . Chừng nớ , tui sẽ đi theo tụi nó . Lo cho nó miếng cơm miếng nước ."
Hàng Quân tiếp vụ , quần áo giày giép , mùng màn cuả nhà binh mỗi ngày một hiếm . Bà xoay qua hàng phế liệu cuả Mỹ .
" Không biết ở mô ra mà " tụi nó " hằng ngày vẫn có hàng cho con mụ Xoa này chạy mối bán, kiếm tiền cò . Cọc sắt , kẻm gai , đồ inoxidable . . . dụng cụ y tế nhà thương , đồ sành sứ . . . nhật bổn . Hết thùng nọ đến thùng kia .Ngoài Đà nẵng , ngoài Chu lai ? Cả đời bán mãi cũng không hết . . "
Bà cứ nói . Tôi cứ nghe . Rồi tôi thưa :
--- Thôi , con chào o , con về kẻo giới nghiêm . . .
--- Thì anh cứ về đi . Còn lâu mới tới giờ giới nghiêm cuả tôi .
Tôi hơi ngạc nhiên về câu nói đó . Nhưn g hôm sau , mệ giải thích :
--- Giới nghiêm . . . . thì là giới nghiêm với ai kià . . . Chứ với tôi , thì khỏi đi .
Mấy đứa nhỏ phòng vệ dân sự trong cái Thị xã này nửa đêm gà gáy, mà còn gặp tôi , nó mừng còn hơn bà nội nó chết đi sống lại .Tui cho tụi nó bánh mì , thuốc điếu , tụi nó xách dùm hàng hoá cho tôi .Mình có cơm . nó có cháo .

Ngay trong mấy tháng ba , tháng tư, năm 1975 , đám nhóc học sinh trung học , từng là " phòng vệ dân sự" , đã có nhiều em tham gia phong trào giải phóng , nhiều em lại di tản đi mọi phương trời .
Dần dần , tôi gặp lại tụi nó ở Sài gòn . Nhờ đó mà tôi hỏi thăm được tin tức về tình hình sinh hoạt ở ngoài quê . Tin tức về những nhân vật ngày trước , những nhân vật bây giờ .

--- Thầy biết Bà Xoa không ?
--- Có . Tôi có biết . Có nghe nói đến tên bà ấy thì đúng hơn . . .
--- Tụi em cho rằng bà đó là số dách . . .
--- Có gì lạ , nói . . . nghe chơi . . .
--- Thầy biết không , hồi xưa . . . Có lần ông Đại tá Khán . . . phải chắp tai mà lạy bà .
" Bữa đó ông lên lon . làm tiệc rửa lon . Bà Xoa đi ngang , thấy ông đang cười nói hớn hở với mấy ông lớn , nó gai con mắt , bà bước vào .
--- A . . . chào Mệ , Hôm nay có Mệ . . . đến . Con lên Đại tá , Mệ mừng cho con . . .
--- Đại tá là cái thứ chi rứa ? Bộ anh mà đánh giặc đánh giả , lên lon ? . . .Anh mang Lon mô cũng uổng cho cái lon . Đại Tá Lôn . . ? Anh phải là Đại tá Lôn mới xứng . . .
--- Con lạy Mệ . Mệ tha cho con bữa nay.Để khi khi mô , khi tê . . . Mệ muốn gọi con là ri , là rứa là răng . . . cũng được . . .
--- Rứa tôi về đã nghe . . .
Lính cuả Ông Khán phải dưa nà về bằng chiếx xe , nệm ghế phủ vải trắng tinh "
--- Đó là chuyện hồi xưa , nhắc làm gì .Mới đây , có chuyện chi nữa. . . không ?

--- Nhiều , nhiều lắm thầy ơi . Hôm đó . . . Cách mang tập trung đồng bào lại . Họ lên lớp đã đời .Cuối cùng là màn phát giác , tố cáo tội ác cuả Nguỵ .
Cả một hồi lâu , chả có ai đứng lên . Cán bộ đang lúng túng , nổi giận , thì bà xoa từ trong một xó tối , bỗng đứng lên , dõng dạc :
--- Thưa . . . Cách mạng .
Nhận ra giọng bà Xoa , ai nấy cũng đứng tim một vài dây .Vì chưa biết bà sắp mừng công báo công hay kể khổ ra làm sao . Nhưng lại mừng vì , ít ra là có người phát biểu y kiến , kẽo Cách Mạng tức giận .
--- . . . Ồ . . . có Bà Xoa . . . rồi . ( Một ai đó thốt lên như vậy , và lại có tiếng vỗ tay).
Tiếng vỗ tay ban đầu thưa thớt , nhưng sau đó vang ầm như không ngớt
--- Thưa Cách Mạng . . . tui là Mụ Xoa. Ai ở đây cũng biết con mụ Xoa này ( vỗ tay ). Tui sống . . . hết hồi Tây , hồi " Dật / Nhật " ,. . . ( vỗ tay ). Tụi nó áp bức dân tộc ta , trong đó có tui . Tụi nó bóc lột dân tộc ta , trong đó có tui ( bà sụt sùi . vỗ tay 2 lần ).
--- Thưa Các mạng , . . . nhưng con mụ Xoa này chưa hề biết sợ thằng Tây , thằng " Dật " , thằng mô cả . ( vỗ tay 3 lân ).
--- . . . thôi đủ rồi Mệ ơi ! ( có một ai đó thốt lên như vậy , ngờ vực , khinh bỉ )
Chủ toạ buổi mit ting hôm nay là người miền Bắc mới về . Ông đứng dậy trấn áp quần chúng :
--- . . . Hãy để cho cụ ấy . . .triển- khai - tố -cáo - tội- ác -đế- quốc- phản động . Đồng bào giữ gìn trật tự . . .
--- Thưa cách mạng , chín năm kháng chiến chống Tây ,các anh em Cách mạng ta hồi nớ gian khổ biết chừng mô , tui khỏi nhắc ra đây .
Tới cái hồi các anh em Cách mạng đi Tập kết , tập kiết , vợ con các anh em Cách mạng ở lại miền nam ruột thịt này, khổ sở biết dường nào .
Cách mạng có biết chăng . . .! Khổ lắm . cực lắm . đói , khát lắm . Tội nghiệp ơi là tội nghiệp ( bà sụt sùi )
Vậy mà tụi Mỹ , tụi Nguỵ dâu có để cho yên . Đêm chúng hãm , ngày chúng hiếp . Chúng nó biến miền nam thành ổ điếm . ( vỗ tay không ngớt )
--- Đả đảo ! Đả đảo ! ( không hiểu quần chúng đả đảo ai , bà Xoa hay Mỹ Nguỵ . . .)
--- Đồng bào giữ trật tự cho cụ . . . tiếp tục . . . ( vỗ tay không ngớt )

Mấy thằng nhóc học trò cũ của tôi tiếp tục kể . Đứa thì giả dọng bà Xoa , đứa thì giả dọng Cách mạng . Không sai một ly một tí .
--- Tụi bây . . . phiạ . Bà ấy mà dám . . . ?
--- Thiệt đấy thầy . Bà Xoa . . . số dách mà thầy . . .
--- Bữa nào có hôi họp mit ting , tụi em đi thông báo cho bà . . . Có bà , là có tụi em . . .
Tôi vờ tỏ ý ngờ vực . Có đứa nói :
--- Mấy chả ( cách mạng) cũng thích nghe . . . bà Xoa . . . chứ bộ .
Lũ học trò quỷ quái cuối cùng cuả đời dạy học cuả tôi tường thuật tiếp :
--- Thầy biết không , sau khi nói . . . " chúng biến miền Nam thành ổ điếm' " một cách ngọt xợt , bà Xoa bồi thêm .
--- . . . vợ con các anh , ngày nhớ đêm thương các anh , mà các anh em cách mạng đâu có thấu . . .
---Còn vợ con cuả tụi Mỹ Nguỵ thì là . . . chỉ biết ăn hại đái nát . Hết son tô phấn diểm , thì nằm ngửa chờ chồng . . . Ngày bạc tối bài , hết xuống ngựa thì lên xe . . . ( có tiếng cười rúc rích)
---. . . vợ con các anh , mẹ cuả các anh , chị của các anh ,ối chao ôi ! Phải vào tận rừng sâu núi thẳm mà thăm chồng . . . Phải lặn ngòi ngoi nước mà nuôi con . Chưa hết đâu ! Các mẹ , các chi em nằm vùng bám trụ còn phải chịu biết bao nhiêu hòn tên mủi đạn , . . . ! Các mẹ , các chị em . . . bí mật đặc công . . .phải ăn sương uống gió , phải bán miệng nuôi trôn . . .( có tiếng cười . và tiếng vỗ tay không ngớt )
--- Thầy biết không ? Mấy cha nón cối cứ vểnh tai lên mà nghe kể khổ .Đâu có hiểu con mẹ gì . .Các đồng chí . . . đứng lên , vỗ tay tới tấp . . .

--- Thầy biết không . . . ? Còn . . .một bữa nọ . . .
--- Sao ? . . .
--- giữa buổi họp Tổ Phụ nữ , bà Xoa . . . phát biểu . . . xanh dờn .
--- xanh dờn ? Là sao . . .?
--- . . . bây giờ giải phóng . . .về , tui thấy cách mạng như vầy, sao mà sướng quá . . . Tự nhiên mà nhà cao cửa rông . Tự nhiên mà vàng thoi , bạc bó .
" Đây , như cái bà Chủ tịch phường ta đây này . . . Đây, như cái bà . . . Phó chủ tịch mặt trận tỉnh nhà . . . đây này . . . Đây , như bà Chín Sõi đây này . . .Hồi Mỹ nguỵ ra sao , bây giờ ra sao . Có nhắm đuôi con mắt lại cũng thấy . Khác quá , khác quá .
Đứa nào nói gian , trời không dung , đất không tha nó . Tui không nói gian đâu . Tui mà nói gian thì Cách mạng chém tui , giết tui . Cách mạng mà chém giết chi cái thứ con mẹ Xoa này . . . Mà dẫu có chém tui , tui cũng phải nói . Sợ gì mà không nói . Có mồm mà không cho nói , thì trời sinh cái mồm ra để làm chi ?
--- Thầy biết sao không . Tư nhiên bữa đó điện tắt hết cả thành phố. Cuộc họp giải tán.Khỏi sợ ai thấy ai ,các bà họp dân phố trên đường về tha hồ mà kháo chuyện Bà Xoa . . . chết chém . . .
--- Thầy biết không , một bữa . . .

* * *
*
--- Thôi . Tao lạy tụi bây . Tụi bây coi chừng . Không chết bà Xoa khỏi lửa , mà chết tụi bay , có ngày . Tao lạy tụi bây . . .
Bây chịu khó làm cháu ngoan , có ngày tao còn nhờ . . . Chứ cách này . . có ngày họ không để yên tụi bây . Còn như bà Xoa , bả thành tinh từ lâu rồi .
Chừng nào tụi bây thành tinh ,như bà Xoa thì . . .tụi bây mới không phải sợ . Có ngày . . . mất mạng.
--- . . . trước sau gì thì ai mà chẳng chết . . . Khỏi sợ đi , thầy ơi !
--- Cha chả ! triết lý dữ a . . .!
" Tụi bây biết không . . . Phận cuả tụi tao bây giờ " quê hương ruồng bỏ , giống nòi khinh khi " , " móng đâu xuống đất , cánh đâu lên trời" . . .
Tôi nói chưa dứt lời , đã có một thằng ghé vào tai nói nhỏ:
--- Bữa nào em học xong khoá Sĩ Quan Công an Biên phòng này , em ghé lại nhà thầy .Em dẫn thầy về ngoài đó với em . . .Thầy muốn , em gởi thầy đi . . . Dễ ợt .
--- Có đứa nào . . . cùng đi không ?
--- Đi làm chi thầy . Tụi em phải ở lại chớ thầy . . .
--- Sao bây biểu tao đi . . . Bây lại ở lại . . . ?
--- Lớp mấy thầy, già cả rồi . Nói ra hoá vô phép , hết thời rồi . Tụi em ở lại , sau này gặp thời làm lớn , làm người lớn , " Huậy Cho Đã " . . . chớ thầy .
*
* *
Viết tới đây , tôi bỗng thương nhớ mông lung .

. . . Nhớ đến cái điện Trường Bà ( ở Trà Bồng ) .
Mệ Xoa chắc chắn đã thành Tinh .
Chắc bà đã nhập vào cái điện thờ này .
Cái Bà Chằng ( Madame Francoise ). . sẽ ra chiêu thức nào , đố ai dám biết trước .
. . . Nhớ đến cái miếu Ông Quan Chiếu ( ở Tư Nghiã ) .
Nơi đó có Một Tảng Đá và Một Cây Chiêm Chiêm .
Cây Chiêm Chiêm sợ Trời Sụp , muốn chống cho Trời khỏi sụp .
Cái Hòn Đá , biết Trời Rách , muốn vá cho Trời lành lại .
Tranh hơn tranh thua . Chạy đua lên trời.
Dù muốn cứu ông Trời, ông Trời vẫn phạt .
Đến lúc nào đây thì đất đá cùng cỏ cây , cùng đứng lên mà cứu trời giúp người .
. . . Thương cái thế hệ trẻ nhỏ sinh sau mình. Ở Sàigòn, ở Huế, ở Hà nội, ở Nước ngoài? Ở đâu? Và nhớ đến cái Bà Xoa. Madame Francoise .
110

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2005

"Có Yêu Anh Không" Thời @ Vòng



Thế là từ hai ngày nay, em không có tin tức gì của gã trong cái thế giới ảo của em nữa. Chung quy chỉ vì em bực gã cái câu gã cứ hay lẩn thẩn hỏi đi hỏi lại « Có yêu anh không ? » và để rồi « Nếu có thì em viết ra cho anh đi » !

Giời ạ, bây giờ là thế kỷ 21 rồi và ở thời đại « lướt mạng, trượt Web » này vẫn có một gã lạc hậu đến thế sao ? Gã cứ nghĩ rằng em khi viết chữ « yêu » gã là em phải « sống thác với tình » như cái thời Tự Lực Văn Ðoàn ngày xưa hay sao ấy các cụ ạ ! Em bèn phùa luôn cho gã một quả « Không, tôi không còn yêu anh nữa, anh ơi ! » Thế là gã làm mặt ngầu và cuốn gói đi mất từ 48 giờ qua.

Em quen gã là hoàn toàn tình cờ. Số là em có con nhỏ bạn thuộc loại « Chằng ăn, Trăn quấn » ở Phú Nhuận. Nó làm công việc giản đơn, đơn giản là coi tiệm Bi Da cho một thằng chủ sói đầu. Cả ngày ngồi đồng từ sáng đến chiều, tối ngó ông đi qua, bà đi lại thì sách vở, báo chí giải sầu nào mua cho nổi ? Ở cái thới buổi Kinh Tế Thị Trường này, giá sách báo cứ tăng ào ào đến chóng mặt thì cái cảnh ngồi buồn đọc ngấu nghiến sách báo đã lui vào dĩ vãng êm đềm ngày xưa.

Với thời đại Internet « A Đê Ết Sờ En Lờ » ồ ạt đổ vào VN như một giòng thác Cách Mạng (mà trong đó, ngọn cờ Khoa Học Kỹ thuật là Then Chốt – các cụ thấy đó, em vẫn thuộc làu làu bài học Chính Trị năm xưa mà), nhỏ bạn có ý kiến kinh dị là đi khuân 1 máy vi tính « xê cần hen » về rồi cầy cục mua thẻ nối mạng.

Từ đó, nó bắt kịp « trào lưu đang lên của thế giới » bằng cách giao lưu với các anh giai khắp thế giới có « nhu cầu » làm quen với các em gái hậu phương ở cái đất Sè Gòong hoa lệ này.

Con này cũng quái quỉ lắm các cụ ạ. Nói là « giao lưu » thôi chứ thật ra là nó cứ nhắm các anh giai Vịt kìu yêu quái bên Cali để làm quen thôi hà. « Làm quen với các anh giai ở các xứ nghèo khác thi chắc chỉ có ngày bốc cám mà ăn.! »- nhỏ vẫn hay triết lý như vậy.Qua cái Web Phun Phiếc gì đó, nhỏ làm quen và « giao lưu » hàng ngày cả chục kép « khát Tình, đói Yêu » trên cái mạng ảo quỉ quái của nó.

Nam có, Nữ có, xồn xồn có, gia đình có, ly dị có, ly thân cũng có…. Nói chung là có đủ mặt bá quan văn võ týp « xa quê hương, nhớ em hiền ».

Con nhỏ bạn em này, nó với em cũng một mẫu số chung. Hai đứa đều có một đứa con để hủ hỉ tuổi già nhưng hai thằng chồng phải gió của nó và em thì đã bị gió cuốn đi từ đời thuở nào đó. Con nhỏ này thì qua việc đó, rất « hận kẻ bạc tình » rồi từ đó, nó đi đến cái việc « hận lũ đàn ông háo sắc» là lẽ đương nhiên.

Thấy con nhạn là đà nào bay qua mà lại ăn hay, nói ngọt, là nó đùa cợt chán chê, mê mỏi rồi mới sang tay cho em gọi là « chia nhau chung hưởng chút lộc trời ». Chứ em di làm đầu tắt, mặt tối cả ngày thì làm gì mà có thời giờ làm quen, nói tào lao về Nhân Sinh Quan thế giới với mấy kép Hải Ngoại được ?

Nghe nó kể về cái thế giới ảo của nó, em thấy ngán ngẩm, ê chề cả người. Từ những Chí Phèo thời @ còng đến các nàng Kiều tân thời đăng bảng « mộ phu » (phu ở đây là Phu quân, nôm na là Ðăng bảng Kiếm Chồng), cho đến các nàng, các chàng « ô mô » rồi đi qua các bậc trưởng thượng Bốn bó, Năm bó… Kép nào cũng hăm hở lên mạng kiếm bồ nhí… Cứ gọi là loạn cào cào trên cái chợ Tình ảo này .

Dịch vụ Internet ở SèGoòng nhờ vậy, nở rộ khắp nơi. Ði tà tà ra đường Trần Quang Khải, q1, các cụ sẽ thấy việc kinh doanh này phát triển ra sao. Giờ nào cũng có ngưới ngồi chat. Sáng có, Trưa có, Chiều có, Tối có…Chat thâu đêm suốt sáng. Nam phụ lão ấu đủ mặt. Ai cũng lờ đờ dán mắt đỏ sọc vào cái màn hình …

Mà kể cũng hay thiệt nghe, kép nào ế độ ngồi phát miêng ra cái trò Internet này thì em xin đề nghị ghi tên kép này vào sổ vàng thế giới. Chẳng làm gì cả, cứ ngồi ỳ một chỗ mà tiếp xúc đủ nam thanh, nữ tú bốn biển, năm châu. Nhiều nhất là các kép Vịt Kìu ở Huê Kỳ.

Chuyện dài Internet với các phòng VIP này, em bất tất phải dông dài vì em chăc chắn là các cụ đã đọc chán chê mê mỏi về các phóng sự loại này rồi.

Từ hồi ông Tổng Biu ký Hiệp định giao lưu với Việt Nam rồi sau đó về đuổi gà cho vợ thì các kép Vịt Kìu này như sút chuồng, ồ ạt đổ xô về Sàigòn kiếm bồ nhí cho bỏ những năm dài mốc meo nơi xứ người. Cứ như cái thời đại đổ xô đi tìm vàng vậy !

Về Sài Gòn thì ngộ lắm các cụ ơi, cũng là da vàng mũi tẹt nhưng các kép này đi ngoài đường xá mà cái mặt cứ hếch lên trời. May là các kép đang « dạo phố mùa Xuân, bên người yêu nhẹ nhàng nhỏ bé » ở Sè Gềnh chứ kép mà đi dạo phố ở Pa-ri như vậy là có chầu đạp cứt chó trên vĩa hè của « Pa Ri có gì lạ không em » mệt nghỉ rồi. Chung quy chỉ vì khi về quê hương đau khổ, thiếu đô la, dư tình này, các kép cứ tưởng các kép là ….Mỹ thiệt ! Khổ là ở cái chỗ đó !

Về đến Mỹ là các kép bị các anh Mỹ da trắng mũi lõ thiệt sai bảo, kỳ thị tơi bời hoa lá. Ai mà chẳng biết là chính những vị da trắng gào la Nhân quyến to tiếng nhất thì cũng chính là những vị nhảy lên chà đạp nó nhiều nhất ?

Các cụ không tin em thì các cụ cứ làm một chuyến du hành kiểu « Thăm dân cho biết sự tình » thì các cụ sẽ thấy thôi. Em miễn bàn vì đi vào vần đề này, nó nhiêu khê, rách việc và đụng chạm dữ lắm. Em chả dại bàn luận trống canh dông dài mấy cái chuyện này đâu.

Như để trả thù đời, hễ về VN du lịch là các kép này cứ ra điều ta đây là « đại công dân của Mỹ quốc» hạ cố đến xứ này. Nói chuyện vài câu thì chém chết là các kép phải phun ra vài câu tiếng Mỹ ăn đoong cho thiên hạ sợ. Cho thiên hạ biết là các kép là Vịt kìu Mỹ chứ nếu không, chẳng ai nể sợ cả.

Em cũng có gặp một mợ, con Bảy bán nước mía ở xóm em chứ đâu ? Sau vài năm vắng bóng để theo chồng về dinh bên…Ca-li thì « một buổi sáng mùa Xuân, chợt cả xóm thức dậy », cả xóm em hãi hùng khi thấy Mợ tay xác nách mang, tay đeo vòng vàng, chân vòng kiềng…cứ thế đổ bộ về xóm cũ.

Hỏi thăm thì mợ cũng thật lòng cho hay là qua đó, công việc của mợ chỉ là ở nhà trông con cho chàng quần quật đi bán sức lao động ở phi trường ở một thành phố nổi tiếng, quê hương của phim « Cuốn Theo Chiều Gió ».

Ấy vậy mà khi mợ đi đâu, mợ cũng ra điều là ta đây là Mỹ văn miêng. Cái đáng nói ở đây là tuy chỉ để nói chuyện với bà con làng xóm, mợ cứ mở miệng xin lỗi lia chia. Vì mợ quên tiếng Việt nên mợ phải khạc tiếng Mỹ !

Em chỉ tóm tắt lại là ai mà nghe giọng mợ nói tiếng Anh là con nít ban đêm sẽ nín khóc và các mợ nào hay đi tiểu rắt sẽ hết bệnh tức thì. Kinh dị là như vậy đó.

Mấy kép Mỹ Việt đề huề này nổ bạo dễ sợ. Em có biết một kép, đi qua đó mười năm rồi về vung xích chó ra « Anh về đi nghỉ hè thiệt nhưng sáng nào ở đây, anh cũng phảI lên mạng để coi nhân viên báo cáo và anh phải cho chỉ thị để tụi nó làm »…

Báo hại em ngày nào cũng ì ạch chở cái khối thịt nhung nhúc mỡ đó ra tiệm dịch vụ gần nhà. Lúc đó, em phục người Việt Nam mình lắm và em chỉ nguyện một điều thôi. Đó là làm sao được « Nâng Khăn, Sửa Túi » cho kép Việt Kiều nào đó. Cho nó vẻ vang !

Chứ ai đời mấy giống dân Mễ, Đen, Xì, Cu Ba, Cu con… qua bên Mỹ cả mấy thế hệ mà cũng chẳng xi nhê gì hết. Cứ chỉ đi sửa nhà sửa cửa, làm cu li, cu leo hết. Ấy thế mấy kép Việt Nam cần cù, dũng cảm, biến « Sỏi Đá thành Cơm » vừa qua đó có mấy năm mà đã leo lên làm cha thiên hạ hết rồi. Kép nào kép nấy đều tốt nghiệp kỹ sư cả. Nhà cao, cửa rộng. Xe hơi bóng nhẫy ê hề đậu trước cửa..Mùa Hè có Mễ đến cắt cỏ, mùa Đông về VN nhát ma thiên hạ….

Bí mật của kép chỉ bị « bật mí » khi tình cờ thằng em em cũng vào ngồi ngay cáI máy mà kép này vừa ngồi. Nó thấy những trang web mà kép này vừa lướt xong thì nói chung chỉ là những trang web nhảm nhí và trang web theo dõi việc mua bán cổ phần…. Từ đó, em trở nên « miễn nhiễm » với những gì kép nói.

Ý quên, em lại đi lạc đề mất rồi. Em đang nói điều gì nhỉ ? Ừ, nhờ con nhỏ bạn của em, em cũng quen được vài kép ở Cali (Ngày dời Ca-li, em đã để quên con tim). Mây kép em này, chàng nào cũng « gắn bó » với em lắm. Ban ngày thức dậy là đã có « meo » thăm hỏi sức khoẻ . Ban đêm vừa đi làm về thì các kép đã ơi ới hối thúc trên Gia Hu để vấn an.

Em chẳng biét nhạc sĩ họ Vũ có khóc lóc quá đáng không khi viết « đời con gái chỉ cần dĩ vãng mà em tôi, chỉ còn tương lai » chứ em thì được các kép đối xử hậu hỷ. Cứ như em là người con gái Việt Nam thuỳ mị cuối cùng trên cái hoang đảo Internet này.

Tuy vậy, em cứ phải « kính nhi viển chi » chỉ vì con bạn em đã « cảnh báo » em rồi. Cậu nào ở bên đó cũng ế độ, kiếm bạn giải khuây trên… mạng mà thôi. Một khi đặt cái bàn chân lông lá xuống Tân Sơn Nhất rồi thì mười cậu, hết chín…rưỡi như chim xổ lồng vậy. Tung tăng, vô tư đi kiếm « cỏ non » chứ cỡ tuồi em, gần đã bốn bó rồi, đâu có lọt vào tầm ngắm của mấy cậu nữa ? Có khi mấy kép của em đi chơi đã đời ở Sè Goòng rồi và về đến Huê Kỳ thì các kép mới…sực nhớ đến em thì đau lòng em lắm các cụ ơi ! Em chẳng dại gì mà tiếp cận các kép này để lòng em tan nát thêm.

Thời đại mới, các kép cũng biết các đào bên này cũng mơ ước có ngày đặt chân đến đất tiền, đất bạc, áo đội, mũ đóng, vinh quy bái tổ nên các kép này cũng tỏ ra chọn lọc, khó khăn lắm. Ðể làm quen thì tiêu chuẩn phải là trẻ, đẹp. Trẻ thì cái thời « nữ hơn hai, trai hơn một » qua rồi. Phải sửa lại là « Nữ thua trai, hai con Giáp » mới đúng. Không tin em thì các cụ cứ làm một vòng lướt mạng, đọc pờ rồ phai các mợ đi sẽ thấy. Các mợ bi giờ chấp nhận dễ dàng tuổi của các kép là hơn từ chục tuổi trở lên. Chẳng cần « môn đăng hộ đối » mà cũng chẳng cần đến việc đẹp trai, chai mặt nữa. Đi làm thì có đi đổ bô cho Mỹ bên kia thì cũng chẳng sao. Chuyện nhỏ. Chỉ với điều kiện bé tí ti thôi : « có đời sống ổ định ở ngoại quốc ». Ðây là điều kiện Ắt Có và Ðủ để « võng nàng theo sau » về … Mỹ ! Còn chuyện sau này mấy nàng « nín thở qua sông » rồi ly dị kép hay không thì đó là chuyện sau này nữa. Em chẳng hơi sức nào để ý đến chuyện tương lai đó.

Từ ngày các kép hải ngoại bay vào mạng quậy các mợ thì các kép quôc nội buồn thê thảm. Vì quá ế ẩm. Còn đâu cái thời « Chồng chúa vợ tôi » ? Ôi thấm thía thay cái cảnh « Ba đồng một mớ đàn ông, đem về mà bỏ vào lồng cho kiến nó tha » ! Thời bây giờ là thời của những Vịt Kiều iêu quái ! Vừa quen trên mạng thì vừa qua câu xã giao hỏi đại loại «Chẵng hay tên họ là chi ? » thì các mợ đã ua úa hỏi « Anh ở đâu vậy ?». Các anh giai quốc nội xin chớ coi thường câu hỏi này. Em cho đó là câu hỏi chọn lọc mấy anh đó. Chỉ cần nói đại khái « anh ở Sái gòn », « anh ở Ngã Ba Chú Ía », « ở Ngã năm chuồng chó », v.v… … » là các mợ cho các kép quốc nội gài số de thê thảm !

Triệu chứng :
Anh giai vừa xác nhận là ở Sài Gòn thì tự nhiên người đối thoại ở đầu kia làm như tan biến vào cõi hư vô !

Phải ơi ới gào lên « anh đang ở Cali », « anh ở Mỹ… » thi mới hy vọng được các mợ ban cho đặc ân « được » tiếp tục hầu chuyện các mợ.

Sau này, có vài kép quôc nội láu cá tôm cua, thời webcam chưa xuất hiện nhiều, vừa lên mạng là móc mặt nạ Vịt kiều ra đeo. Nhờ chút hiểu biết về thủ đô tỵ nạn do mấy thằng bạn nối khố bên đó nói nên dần dà, với cái mác Vịt Kìu Mỹ, các kép trả lới ngon ơ các câu hỏi của các thôn nữ muốn biết về cái xã hội tư bản đang đành đạch giãy chết ra sao. Dần dà, các kép thừa thắng xông lên chiếm ngon ơ được quả tim vàng của các nàng trinh nữ tên Thi này.

Ðến ngày gặp mặt, mấy nàng té ngửa ra khi biết chàng Đa Ni Trần, chàng Tom Nguyễn… cũng chỉ từ những xóm Giếng ngày xưa bò ra thôi chứ chẳng phải từ Oét-Minx-Tơ Minx-Teo nào cả ! Thôi thì cũng ngậm đáng nuốt cay trao duyên tướng cướp cho rồi. Kết thúc « một chuyện tình mười lăm giờ về chat » về trước.

Nói vậy thôi chứ bi giờ, các công tử Ðỏ xuất hiện nhiều lắm rồi. Cộng thêm các công tử của những đại gia làm ăn phát tài, phát tướng thì chưa chắc các kép Chiều Phi Trường bên Mỹ đã có thể bóp kèn pin pin qua mặt các công tử quốc nội về mặt phá của gia đình ! Các công tử này cũng đi xuất ngoại đánh bài đều đều chứ không phải quanh năm bò trong miệng chén đâu. Đừng xem thường nha.

Chỉ phiền là cặp với mấy kép này chưa bao lâu thì cứ dở báo «CAND » , « SGGP », « TN », « LĐ »… ra thì thấy hình và bài vở về các ông bà bô của mấy kép chình ình trên trang nhất. Đại loại như các cụ « đang bị ngưng công tác», « có biểu hiện tiêu cực », « đình chỉ để điều tra », « viết bản kiểm điểm », « đang viết tờ trình… » hơi nhiều. Thế là Tình chưa Kết đã vội Tan !

Nói thì nói vậy chứ, em ngu gì mà không quan hệ tư duy với các kép hải ngoại này ? Biết đâu, có ngày nào, các kép chôm chĩa mánh mung gì được bên đó, mấy kép làm oai « cho em chút tiền để đi uống cà phề » thì cũng đỡ vã lắm chứ ? Chưa kể là biết đâu, có ngày có kép nào xuất thần, chịu lấy em làm « hiền thê » ? Nếu không thì lại biết đâu, mấy kép Năm Bó, Sáu Bó chẳng có ngày xuất tiền nuôi em làm Bồ Nhí ?

Bây giờ, ở đây thiếu gì Lão Nông lắm tiền, nhiều của…bạc tình với đồng ruộng ? Lão nông nào bán đất xong cũng cao bay xa chạy lên thành phố để làm quen với ánh đèn màu, giọng hát Ka Ra Ô Kê và chạy theo mấy em tre trẻ. Em thì em hãi các cụ này lắm . Ngồi gần càc cụ, thấy các cụ ngồi rút chân lên ghế như lúc đi thăm ruộng buổi chiều thì « cuộc tình đã chết một đêm nao, lúc trăng hãy còn thơ ấu » liền.

Mấy kép hảI ngoại bấy giờ cũng biết làm tiền ghê gớm lắm các cụ ạ. Biết tẩy các mợ là « lấy chồng ngoại », các mợ sẽ xuất ngoại, « đổi đời » trong nháy mắt nên các kép treo giá ngọc (hành) dữ tợn lắm.

Có nhỏ bạn em phải chi đẹp 15 000 euros để được qua Pa Ri nhìn cái tua Ép-phen và chi thêm 2 000 euros để làm thủ tục ly dị nữa. Ðỉnh cao là các kép và các mợ bên Úc Ðại Lợi. Lợi dụng luật pháp Úc cho phép lập gia đình 3 lần và khí hậu bên đó dễ chịu, lắm người thèm muốn, các cậu, mợ (có cả nữ về VN để lấy chồng mang qua nữa chứ việc lấy vợ mang đi hết là độc quyền của mấy kép rồi) làm đẹp 2 « phi vụ » để có chút tiền tiêu xài, le lói với mấy bông hoa quốc nội.

Có kép làm phi vụ « thiệt » nhưng cũng không ít kép làm các phi vụ « giả » hay làm những động tác giả. Hoặc có khi là những phi vụ « nửa nạc nửa mỡ » hay còn gọi là phi vụ « Nữa chừng Xuân » đại loại « chúng ta chỉ chơi trò vợ chồng thôi nha em nhưng gia đình em phải đưa thêm tiền cho anh. Nếu không, anh sẽ bỏ ngang thì lúc đó, chưa đủ số năm ấn định bởi INS, em sẽ bị trục xuất »…. Vào vấn kế luật sư thì luật sư nào cũng câu giờ , nhận đô la đủ rồi « không làm cách gì hơn ». Ắn năn thì đã muộn. Tiền mất, tật mang.

Chuyện dài gạt gẫm về những hôn thú giả, tiền thiệt này nở rộ chẳng thua gì chuyện tham nhũng ngày nay. Các cụ nào không tin em thì chẳng cần đi đâu xa, cứ lên những trang Web tiếng Việt sẽ dó dịp thấy nhan nhãn những chuyện « vân cẩu » tang thương như vậy.

Như bức tranh vân cẩu này chưa đủ « đô » tang thương hay sao đó, mấy chú Ba Ðài Loan đến các trự Ðại Hàn, Xinh, Mã… lại thi nhau nhảy vào Việt nam tuyển lựa gái quê để mang về làm…nô lệ bên đó. Em đọc báo thấy có lần viết về một ông Ðài, lương khiêm nhường chỉ có hơn một ngàn đô mà về tuyển lựa dzợ tương lai trên một ngàn nàng trinh nữ đồng quê Việt Nam !

Ðọc đến đây, em cứ phải dụi mắt và cấu, véo, cào, xé da thịt em để em biết là em đang sống trong cái thời đại ta bà này chứ không phải là đang nằm mơ thấy ác mộng ! Có mợ Xẩm còn chơi cái trò thẩy tiền ra cho bằng số Ký Lô của « hố nì » để mua mang mang về phục vụ…

Về mấy chàng Tây Ba Lô thì em cũng có con nhỏ bạn. Con này cũng Ðiêu Thuyền, Ðổng Trác lắm các cụ à. Ai chơi với nó mà « mậu lúi » hay dở trò « tiết kiệm » là nó

đề nghị liền« anh về nhà anh, cởi áo để muỗi đốt để cha mẹ anh ngủ yên như trong truyện Nhị Thập Tứ Hiếu chứ đi với em làm gì cho tốn tiền ? » .

Ðược cái là nhỏ chơi với em rất tốt. Nó cũng trang nghiêm cảnh báo em về mấy anh chàng mắt xanh, da trắng này. Nhỏ từng quen một cậu Tây cũng trên mạng. Tên cậu là Zô Zê, Zô Ziếc gì đó. Cậu Zô liến thoắng lắm. Cậu nói chuyện hay, trên cả sự tuyệt vời luôn. Cậu huyên thuyên. Cậu líu lo khi gặp nhỏ. Nhỏ chỉ ghét là cái cặp mắt của cậu gian giảo quá . Mắt cậu cứ láo liên khi thầy các nàng kiều nữ tóc bay trong gió, váy ngắn củn cỡn đi ngang. Nhưng được cái là cậu hứa hẹn với nhỏ bạn em đủ điều.

Ngày cậu đến đầu tiên « Việt Nam, quê hương tôi », cậu mua tặng nhỏ đủ thứ quà. Từ những chai nưóc hoa đến cái điện thoại. Nhỏ đâm ra mê mẩn với cái ý nghĩ có ngày bước lên xe huê, mũ áo xênh xang leo lên máy bay ra xứ người đổi đời. Vì vậy, nhỏ cũng chẳng tiếc thân, ra sức chiều chuộng cậu Tây này.

Ngày nhỏ té từ trên cao xuống là cái ngày nhỏ được Lễ tân của khách sạn bỏ nhỏ vào tai là trong khi nhỏ về nhà ông bà bô để đóng kịch « con hiền, cháu ngoan, đi thưa về trình » hay khi nhỏ kẹt ở sở làm thì cậu Tây này cũng « phỏng vấn », theo lời Lễ tân, « có đến cả chục cô », « cứ như là sắp hàng lấy số vậy »…..

Như vậy, nhỏ chợt hiểu ra là nhỏ cũng chỉ là một cái tên nằm trong bản danh sách của cậu Casanova này thôi . Nhỏ bèn tức tốc hỏi cậu Tây thì cậu Tây lấp liếm « anh cần phải tìm hiểu nhiều người thêm trước khi quyết định chung sống với ai », « «em dễ dàng quá nên anh sợ là em không qua nổi …thử thách này…. ». Hoá ra thì khi cậu đăng cái bờ rờ phai của cậu là « kỹ sư vi tính », « có nhà cửa, việc làm ổn định », « thân hình lực sĩ », vân vân thì không phải chỉ có nhỏ là đà đi vào chuồng cu của cậu !

Thế là nhỏ lên cơn tam bành, liệng cái điện thoại vào mặt người tình trăm năm và hát bài « Tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi ». Nhỏ sụt sùi nóI với em « Em biết nó ngay từ đầu mà. Mắt nó gian lắm cơ nhưng em cứ tưởng nó biết người, biết của,cưới em thiệt nên em tin nó. Dè đâu…» !

Thời buổi @ Còng này, thời buổi thiên hạ cứ nhìn đâu cũng chỉ thấy ông … Hoa Thịnh Ðốn khắp nơi thì dở báo ra, em chỉ đọc thấy những vụ lường tình, quỵt tiền, lợi dụng chức vụ …nhan nhãn như lá mùa Thu vậy. Thiệt em chán ngán cái thời buổi này quá xá. Biết làm sao hơn bi giờ hả các cụ ? Ngay cả thằng em trai của em, cứ vừa đi làm về là ra cái điều « gác bỏ mọi chuyện thị phi ngoài đời », gõ mõ tụng kinh mà cũng thỏ thẻ nói vớI em « Quen rồi, ngày nào, dở báo ra mà không thấy những tin xe bắt chó, chó bắt xe, tình, tiền, tù tội…. thì em ăn cơm mất ngon ! »

Xí quên, cứ dài dòng mãi lạc đề câu chuyện, làm các cụ điên đầu thì em xin quay trở lại câu chuyện tình ảo với gã kép chuyên trị « Có yêu anh không » của em nha các cụ.

Thế rồi gã từ đâu đến và phom phom đi vào đời em.Từ đó có anh đi nhẹ vào đời !. Gã này khác người lắm các cụ ạ. Chẳng bao giờ thấy gã mang những chuyện vui, chuyện vẻ vang xứ người ra nói. Gã cứ tỉ tê về những phút cơ cực ở nơi gã « sống nhờ » ra để nói. Gã khuyên em nên đi học nghề « vì ai cũng phải đi làm, tự nuôi bản thân ». Gã leo lẻo nói em về chữ « cố gắng » bản thân tối ngày sáng đêm. Gã tâm đắc với cái triết thuyết « Tay làm hàm nhai » lắm.

Em thì em cũng có lúc em cảm động về « mối tình chân » của gã đấy nhưng nói thật với các cụ, em thực tế lắm. Dầu gì đi nữa, cái sự chân thành, cái con đường thẳng của gã, em chẳng mài ra để uống được mà theo nó thì chỉ em chỉ thấy tương lai em áo rách, bị gậy thôi. Gần bốn bó rồi, còn gì nữa để làm lại từ đầu ? Đời con gái mà các cụ ?

Em quyết định rồi các cụ ạ. Em sống lương thiện thôi chứ cái việc lao động thì theo quan niệm của em, thì đó là việc của …thằngchồng em ! « Đã là bậc nam nhi thì phải lo chu đáo cho vợ con ». Em không thích đi làm, ai cưòi em thì họ cứ hở mười cái răng ra thôi. Em không có ke đâu. Cái gì chứ cái này, em sẵn sàng ngồi xổm lên dư luận.

Em chịu thua việc đi làm nhưng đừng có ai bảo em là lười nghe các cụ ? Tuy lưng em dài, chân em trường túc bất chi lao thất đấy nhưng em chả làm biếng tí ti ông cụ nào. Em sẽ ở nhà cao, cửa rộng. Và em cũng sẽ phải chỉ tay năm ngón (bàn tay năm ngón kiêu sa) cho mấy người làm dọn dẹp chứ ? Em có ngồi không bao giờ đâu ?

Ðó là chưa kể là em sẽ nói người chồng tương lai của em mua cho em một căn nhà ở cái thành phố này. Ðể em có dịp lao động nữa chứ ? Các cụ cứ tưởng có nhiều phòng cho thuê rồi là em chỉ ngồi đếm tiền và õng ẹo lượn qua, lượn lại thôi sao ? Cuộc đời đâu có dễ dàng vậy các cu ? Kiếm được và chục tờ giấy 500 000 polymer Bác-Cười-Hoan-Hỷ thì em cũng đổ mồ hôi hột đấy các cụ ạ !

Em quyết định rồi. Số tiền em chạy mánh đuợc bấy lâu nay cộng vớI số tiền má em vừa bán được ruộng chia cho các anh chị của em để « mẹ hy vọng mỗi đứa có điều kiện đi học một cái nghề gì để sau này tự nuôi sống bản thân », thì em sẽ đi qua Thái Lan để …tân trang nhan sắc lại. Như vậy, đờI sẽ biết tay em.

Để kết thúc bài này, xin các cụ cho em gởi một tin nhắn ở dưói nhé, em xin cám ơn các cụ.

Nhắn tin :
« Các anh vịt kiều ơi, đọc đến hàng chữ này, các anh cứ chuẩn bị tinh thần và túi tiền đi nha, tân trang nhan sắc xong, em sẽ quay lại nóI chuyện phải quấy với các anh. Còn cái anh « Có yêu anh không » gì gì đó thì nhân tiện đây, em cũng xin trả lời anh luôn. Ngắn gọn là như thế này : « Anh cứ nằm mơ đi anh » !

Sau cùng, em cũng xin thưa với các anh là, những gì em viết ở trên, chỉ là do một lúc sầu đời, em ngồi tưởng tượng ra thôi. Mọi việc trùng hợp nếu có, chỉ là ngoài ý muốn của em. Cuộc đời tuy không là màu hồng nhưng cũng đâu có đen tối như vậy ?
118