Madame . . . Francoise .
Năm 1955 bước qua 1956, hai anh em con nhà cô nhà cậu cuả tôi, cùng về quê ăn tết . . Người về từ Sàigòn! Rất hách.
Bấy giờ đường giao thông giữa các tỉnh miền Trung với Sàigòn chỉ mới được nối liền sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh tiêu thổ (1945 - 1954) .
Biết chừng đâu bạn bè, người thân sẽ túm tụm lại mà hỏi cho biết chuyện từ xa về. Vốn là học trò nhà quê, lại nghèo, non một năm ăn học ở Sàigòn, chỉ ngốc nghếch thêm ra mà thôi. Hai đứa lo lắng ra mặt.
Sự thay đổi quá nhanh ở cái thị trấn (mới được Quốc gia tiếp thu), như tỉnh lỵ QN này, quả tình khiến anh em tôi sửng sốt. Ở đâu, mình cũng thành lạc hậu.
--- Tụi bây lạc hậu . . .rõ .
Đó là lời khiển trách cuả một anh bạn lớn tuổi, đang làm việc cho phòng Thông tin Hoa kỳ, tại đây.
Anh nói cho tụi tôi biết nhiều chuyện . . . Mới nghe đã điếng hồn.
" Hai con nhỏ (con nhà lành ) . . . mà tụi bây hỏi thăm, thì đã là (rách mêm). . . ở cái khách sạn . . . này này.
"Bà chủ khách sạn là bạn cuả ba me tụi nó. Ba tụi nó là công chức hồi thời Tây. Giờ đã mất rồi. Mẹ tụi nó, khuê các kiểu này, lấy tiền đâu nuôi con. Tụi nó năm nay trỗ mả, trông mát mắt lắm, chứ không phải như hồi còn tản cư đâu"
Hoặc anh lại nói:
"Tụi bây muốn biết, tao dẫn xuống xóm chợ, coi chơi cho biết. Một bà . . . mẹ chiến sĩ mới hồi cư. Vậy mà bọn Đại uý, Trung uý, Thiếu uý, từng ở trong Nam ra ngoài Bắc, đánh trận Điện Biên phủ, nay trở về, một xưng o, hai xưng mệ đối với bà, ráo trọi."
Anh ăn nói ngang phè, bừa phứa:
--- Cụ Hồ, Cụ Ngô . . . Hai cụ ngồi trên vách, muốn biết sự đời. . . phải rử chân, bò xuống đất. Phải kiếm tao . . . Muốn đi chơi đâu, tao dẫn tao chỉ cho mà đi."
Cái lối nói cuả anh, nghe sao mà nó ráo hoảnh.
Mười năm sau đó, tôi lại về đây làm anh thầy giáo.
Mấy đứa hỉ mũi chưa sạch, mới đó mà đã là Tú tài, Cử nhơn, Kỷ sư, Bác sĩ.
Những anh Thiếu uý, Trung uý ngày trước giờ thành ông Trung tá, Đại tá. Làm lớn cả.
Mấy ông thầy giáo quèn quèn, có khi đã thành Dân biểu, Thượng nghị sĩ.
Một tối nọ, tôi theo vợ ra phố. Mụ thả tôi ngồi ở nhà hầu chuyện bà má vợ để đi gội đầu, chải tóc.
Một bà khách hàng, hay nguời quen thuộc, cũng đến nhà, rồi ngồi ăn trầu, nói chuyện với bà má vợ tôi.
Bà má quay sang chỗ tôi ngồi làm rễ, mà hỏi:
--- Thằng L , con có biết Mệ . . . đây là ai không?
--- Dạ thưa má, xin lỗi . . . Con chưa được biết . . .
Bà khách ấy liền nói:
--- Anh ni là chồng cuả con M. của chị phải không? Anh là giáo sư, anh dạy mấy thằng con tôi mà . . . Tui là Mụ Xoa đây.
--- Con . . . chào Mệ.
Tôi tỏ ra biết cung kính đối với một người lớn tuổi, và là người thuộc hoàng phái.
--- Mệ với Ôn . . . cái con khỉ mốc. Mụ Xoa thì là Mụ Xoa.
Tôi đã thấy dễ dàng hơn và thích thú khi được dịp tiếp chuyện với bà.
--- Mấy năm . . . hồi đó, vì sao mà Mệ vào chi cái đất . . . QN này cho nó cực . . .
--- Hồi nớ tui lấy chồng Tây. Nó là Quan ba (bây chừ là . .. Đại uý) Lấy chồng thì đi theo chồng . . .Cái anh ni khéo hỏi.
Rồi bà cười toe toét.
--- Nó về bên Tây . . . hồi mô, hồi tê rồi . . . Nó có vợ bên Tây mà . . .
--- Chắc mệ có tên . . . như lâu nay ai cũng gọi thế, đó là tên Tây, tên Đầm?
--- Mô . . .? Con gái tôi tên là Francoise. Gọi theo tên con . . . Con mệ Xoa này mà đầm với điếc chi . . . Tội tôi quá anh ơi.
Bà má vợ tôi, xen vào:
--- Thằng L . mày mà gặp Mệ Xoa, mặc sức mà mày hỏi chuyện . . .
--- Nhiều anh thầy giáo (lập) nghiêm lắm. Họ đâu thèm nói chuyện với con mụ này . . Ba cuả thằng Bò thằng Nghé, hồi nớ cũng lập nghiêm . . .
Bà cười toe toét. Tôi chưa hiểu.
--- Nó là học trò anh đó. Nó đi học Sài gòn, Sài ghiếc gì rồi. Tui đâu có thèm biết . . . Nó học mà không ra chi, tôi chửi cha nó. Tui cực khổ như ri lâu nay là tại hai cái thằng nớ.
Rồi mệ xoay qua nói chuyện hàng chuyện hoá gì đó với bà má vợ tôi:
--- Bà P. L này, bữa truớc tôi có đem cho con mệ Khán một chuỗi ngọc, với mấy cái hột, đẹp nước lắm. Nó coi qua rồi chê ỉ chê ôi. Tui tức cái mình. Trước đó tui đưa cho con vợ thằng Hoá mấy món đồ dỏm. . . Bà biết không, con vợ thằng Hoá đem vào, con mệ Khán nhắm mắt trả tiền. Mụ Khán lại đem khoe với tôi. Tôi chửi vào mặt:
--- Chị dại cuả . . . lắm. Con vợ thằng Hoá mà đem c. . . cho chị, thì chị tin là vàng. Mấy món nớ là đồ dỏm. Tôi đưa cho hắn, nhờ hắn bán cho mấy con mẹ Dân biểu, Dân biếc . . trong Sài gòn. Ai ngờ hắn bán cho chị . . .
--- Thằng chồng chị bây chừ là Đại tá, bấy lâu nay "bỏ mạng chiến trường" là để cho chị ở nhà cho con vợ thằng Hoá, chừ là bà Dân biểu. Con vợ cuả Dân biểu Hoá, thằng nớ hắn núp vô chuà trốn lính. Chừ vợ nó phỉnh chị . . . Sao mà chị dại cuả quá sá, rứa . . .tề !
Tôi nảy giờ vờ đi pha thêm nước trà, như không nghe đến chuyện buôn vàng bán ngọc. Bà Xoa cũng vờ như là giữa trời đốt đống rơm, chứ cũng chẳng phải để cho tôi, anh thầy giáo nghèo nghe đến chuyện ngọc đá, vàng thau . . .
--- Con nghe chưa đó L. Mệ Xoa . . . nói, có mầy nghe . . .thì là vưa.
--- Dạ Thưa . . . , con có nghe . . . Mệ nói chuyện với má . . .
Rồi cứ thế, có khi mỗi tối, có khi cuối tuần, tôi lại tìm cách ra phố mà hầu chuyện Mệ Xoa.
--- Anh biết không. Hồi thằng Tôn thất Khanh lên làm tỉnh trưởng, nó cho tài xế xuống nhà chở Mụ O nó là tui vào trong nớ. Nó tửởng đâu tôi lạ lùng chi vời cái . . . tư thất cuả hắn.
--- Ông Đại tá này là người hoàng phái. Nghe người ta nói ông bình dân lắm.
Tôi thưa.
--- Bình dân với chả bình dân, Hắn làm quan với ai chứ hắn làm quan với tôi mà được à.
--- Mệ ở trong Quảng từ hồi mô chừ. Răng ông Đại tá sinh ra ngoài nớ, biết Mệ . . ở đây mà tìm.
Tôi nhại lối nói người hoàng phái bao giờ cũng chả hay.
--- Cái anh ni khéo hỏi. Hắn là con là cháu, hắn phải tìm tôi chứ. Hắn không biết thì có thằng cha hắn biết . . . Cha hắn chưa chừng hồi xưa cũng là lính cuả bố con Xoa . . . Tui mô có biết hắn là thằng nào . . . ra thằng nào.
Bà cười rõ lớn. Tôi cười theo như thướng một tiếng trống chầu.
--- Anh biết không. Hắn hỏi tôi làm nghề chi mà sống. Tui bảo tui đi bán Quân trang, quân dụng, hàng quân tiếp Liệu. Tui buôn bán áo quần củ cuả Nhà binh. Có gì tôi bán nấy. Hắn nghe rứa hắn sợ . . . chết mồ tổ cha hắn . . .
Tôi cười ầm lên:
---- Rồi răng nữa Mệ?
--- Hắn bảo hắn muốn giúp đỡ tôi. Hắn không muốn tôi buôn bán như rứa cực khổ . . .
--- Ông Đại tá mà muốn giúp bà Mụ O, thì đâu có khó . . .
--- Anh nói nghe mà hay nhỉ. Hắn bảo . . .
Tôi chờ mệ nói tiếp, đầy vẻ kiên tri`:
--- Ít bữa nữa đây . . . hắn sẽ giải toả khu nhà dưới chợ , gần Sư đoàn . . . Hắn bảo sẽ cấp cho tôi mấy lô đất ở Bến Xe Ngưạ . . . Tôi cất phố buôn bán , đừng bán hàng lậu , hàng nhà binh . . .
--- Như vậy là cơ hội tốt . . . quá.
--- Thôi đi anh ơi . Đừng có nghe . Hắn phỉnh tôi đấy .
Tôi bảo cho hắn biết . . ." Anh đừng có phỉnh tôi .Anh đem cuả làng làm ơn ông xã . Anh có lòng tốt , anh giúp tôi tiền . Tôi sang cái lều trong chợ . Anh giúp tôi tiền tôi mua vô bán ra . Tôi trả dần dần cho vợ con anh mỗi tháng . Chừ anh lấy đất công mà cho tôi , tự dưng tôi có mấy lô đất khống lộng , chúng chửi cho trốc mồ cha mả ông nhà anh . . . Sao anh không giúp cho tôi khi mà anh chưa làm Đại tá tỉnh trưởng . . . Thằng chó nào nó vẽ cho anh như vậy là nó " bỏ thuốc (độc) " cho anh uống . Chớ có mà dại . . .Làm quan ,không dễ chi mô ."
Một hôm khác , như một thói quen , tôi lại chạy về nhà vợ để hầu chuyện mệ Xoa . Vừa thấy mặt tôi , Mệ bảo :
--- Cái anh thầy giáo này răng không ở nhà mà chấm bài chấm vở , không ở nhà mà . . . ngủ với vợ .
--- O ơi ! Mệ ơi ! Con ngủ cả ngày nay rồi .Nghe Mệ kể chuyện xưa tích củ , chả sướng sao !
Dần dần , bà đã thây tôi thân quen hơn . Tôi cũng thấy vậy . Nhiều khi không phải giữ gìn như là ông thầy giáo cuả các con bà .Tôi cũng xưng là con ,xưng là cháu, gọi bà bằng o cho nó tự nhiên hơn .
--- Anh biết thằng Bò thằng Nghé tôi rồi chứ .
--- Dạ , cháu có nghe N , vợ cháu nói .
--- Rứa đó . . . Chừ nó lớn , nó biểu gì tôi nghe nấy . Mạ thương con , mạ phải hy sinh . . .
Tôi giật mình . Không khéo bà lại nghĩ rằng chuyện gì giữa bà và mấy đứa thằng Bò ,thằng Nghé mà vợ tôi có biết lại thóc mách cho tôi hay chăng .
---Hình như mấy em đó có sinh hoạt trong Gia đình Phật tử , ngành Thiếu . . .
--- Tui mô có biết. Nó ưng đi tu , cũng kệ cha nó . . .
--- Hồi xưa , nghe má cháu nói thì Mệ có học Đồng Khánh . . .
--- Tui nói dóc đó mà. " À beau mentir qui vient de loin " , Nói dóc cho vui .
--- Thời có Ông Quan ba ở đây , chắc Mệ sống an nhàn . . .
--- Suốt ngày , đánh tứ sắc . . . chả có phải mần ăn cực khổ như vợ con các anh bây chừ . . .
--- Hồi đó thì mấy ông Tây bà Đầm cũng biết đánh tứ sắc sao ?
--- Mô . . .? Mấy mụ Phán trong Toà sứ , mấy mụ vợ cuả các ông làm ở Sở Lục lộ , Sở Mật thám . . .
--- Đánh tứ sắc , mất thì giờ , không sát phạt . . . mà sao mấy bà ham như thế ?
--- Nó ghiền hơn là ghiền đàn ông đó anh ơi . Mấy con mẹ Phán . . . thường thì đem tiền tới cúng cho con mẹ Phó sở mật thám . . . Đánh cũng lớn lắm . Có khi thua bạc trăm . . . Bạc hồi nớ .
--- Hồi nớ , , , tôi nhớ có một lần . . . tôi cho con mẹ Bùi Trọng Lệ một chiếc guốc lên đầu . . .
--- O mà cũng dữ thế à ?
---. . .mô ? Gặp bữa bài cuả mụ nó xấu ,hoặc mụ ưng tới lớn , mụ xuống rác , ăn gian . . . Mụ ăn quen , tôi bắt được . . . tôi dạy cho mụ . . . biết khôn mà chừa cái thói . . . ăn gian , ăn hiếp người ta .
--- Thế o không sợ Ông Mật thám sao ?
--- Nó không sợ tôi thì thôi chứ mắc mớ gì tôi sợ nó .
Tôi chợt nhớ ra rằng Mệ là người hoàng phái , và là vợ một ông Quan Ba người Pháp .
Hình như vào những năm có Đại chiến Thế giới , và khi Hiến binh Nhật vào Đông dương thì một số binh lính , Sĩ quan Pháp phải về nước hay đi trấn thủ ở một nước thuộc điạ nào khác .
Cô Francoise , con gái cuả ông Quan Ba tây , cũng về bên ấy . Lấy chồng , và ở luôn bên Tây chăng .
Bà Xoa , trong những năm sau 1945 đã bị kẹt lại QN . Rồi bà tái giá , và sinh ra hai thằng Bò thằng Nghé . Gia đình đi tản cư , sống ở một vùng quê , hay vùng có phố chợ nhỏ . sống qua ngày trong một nếp sống không quen thuộc . Ăn dần mòn hết vốn liếng , vòng vàng .
Sau hiệp định Genève , bà trở về tỉnh lỵ . Bà quen thuộc với đời sống thị thành . Bà bắt kịp cái nhịp sông xô bồ . Bà khai thác nó .
Nơi này,lại trở thành một trung tâm Hành chánh và Quân sự .Nơi này có ánh đèn điện sáng trưng . Có công ăn việc làm nhiều nhặn hơn . Kiếm đồng tiền có khi cũng không phải đổ mồ hôi , dầm mưa dãi nắng như hồi còn chiến tranh .Hơn ai hết , bà biết rõ những nhu cầu giải trí cuả mấy ông nhà binh , vừa ngớt chiến chinh . . . Tiền nhà binh , tình nhà thổ .
Vào những năm có hiệp nghi Ba lê , bà dã có một ước vọng nhỏ : dẫn hai đứa con trai về ngoài nớ cho nó biết họ biết hàng .
" Họ nội nhà nó cũng làm quan làm gia đã bao nhiêu đời . Tụi nó học xong , ra trường lại đi dạy học . Cái nghề nhà cuả ông nội, ông cố cuả nó .
Nhưng chả có thằng chó nào muốn về miền Trung . Ngoài mình mưa gió lụt lội . Nó biên thư bảo sẽ xin đi dạy bất cứ tỉnh nào trong Sài gòn .Thì cũng được chứ có răng mô . Chừng nớ , tui sẽ đi theo tụi nó . Lo cho nó miếng cơm miếng nước ."
Hàng Quân tiếp vụ , quần áo giày giép , mùng màn cuả nhà binh mỗi ngày một hiếm . Bà xoay qua hàng phế liệu cuả Mỹ .
" Không biết ở mô ra mà " tụi nó " hằng ngày vẫn có hàng cho con mụ Xoa này chạy mối bán, kiếm tiền cò . Cọc sắt , kẻm gai , đồ inoxidable . . . dụng cụ y tế nhà thương , đồ sành sứ . . . nhật bổn . Hết thùng nọ đến thùng kia .Ngoài Đà nẵng , ngoài Chu lai ? Cả đời bán mãi cũng không hết . . "
Bà cứ nói . Tôi cứ nghe . Rồi tôi thưa :
--- Thôi , con chào o , con về kẻo giới nghiêm . . .
--- Thì anh cứ về đi . Còn lâu mới tới giờ giới nghiêm cuả tôi .
Tôi hơi ngạc nhiên về câu nói đó . Nhưn g hôm sau , mệ giải thích :
--- Giới nghiêm . . . . thì là giới nghiêm với ai kià . . . Chứ với tôi , thì khỏi đi .
Mấy đứa nhỏ phòng vệ dân sự trong cái Thị xã này nửa đêm gà gáy, mà còn gặp tôi , nó mừng còn hơn bà nội nó chết đi sống lại .Tui cho tụi nó bánh mì , thuốc điếu , tụi nó xách dùm hàng hoá cho tôi .Mình có cơm . nó có cháo .
Ngay trong mấy tháng ba , tháng tư, năm 1975 , đám nhóc học sinh trung học , từng là " phòng vệ dân sự" , đã có nhiều em tham gia phong trào giải phóng , nhiều em lại di tản đi mọi phương trời .
Dần dần , tôi gặp lại tụi nó ở Sài gòn . Nhờ đó mà tôi hỏi thăm được tin tức về tình hình sinh hoạt ở ngoài quê . Tin tức về những nhân vật ngày trước , những nhân vật bây giờ .
--- Thầy biết Bà Xoa không ?
--- Có . Tôi có biết . Có nghe nói đến tên bà ấy thì đúng hơn . . .
--- Tụi em cho rằng bà đó là số dách . . .
--- Có gì lạ , nói . . . nghe chơi . . .
--- Thầy biết không , hồi xưa . . . Có lần ông Đại tá Khán . . . phải chắp tai mà lạy bà .
" Bữa đó ông lên lon . làm tiệc rửa lon . Bà Xoa đi ngang , thấy ông đang cười nói hớn hở với mấy ông lớn , nó gai con mắt , bà bước vào .
--- A . . . chào Mệ , Hôm nay có Mệ . . . đến . Con lên Đại tá , Mệ mừng cho con . . .
--- Đại tá là cái thứ chi rứa ? Bộ anh mà đánh giặc đánh giả , lên lon ? . . .Anh mang Lon mô cũng uổng cho cái lon . Đại Tá Lôn . . ? Anh phải là Đại tá Lôn mới xứng . . .
--- Con lạy Mệ . Mệ tha cho con bữa nay.Để khi khi mô , khi tê . . . Mệ muốn gọi con là ri , là rứa là răng . . . cũng được . . .
--- Rứa tôi về đã nghe . . .
Lính cuả Ông Khán phải dưa nà về bằng chiếx xe , nệm ghế phủ vải trắng tinh "
--- Đó là chuyện hồi xưa , nhắc làm gì .Mới đây , có chuyện chi nữa. . . không ?
--- Nhiều , nhiều lắm thầy ơi . Hôm đó . . . Cách mang tập trung đồng bào lại . Họ lên lớp đã đời .Cuối cùng là màn phát giác , tố cáo tội ác cuả Nguỵ .
Cả một hồi lâu , chả có ai đứng lên . Cán bộ đang lúng túng , nổi giận , thì bà xoa từ trong một xó tối , bỗng đứng lên , dõng dạc :
--- Thưa . . . Cách mạng .
Nhận ra giọng bà Xoa , ai nấy cũng đứng tim một vài dây .Vì chưa biết bà sắp mừng công báo công hay kể khổ ra làm sao . Nhưng lại mừng vì , ít ra là có người phát biểu y kiến , kẽo Cách Mạng tức giận .
--- . . . Ồ . . . có Bà Xoa . . . rồi . ( Một ai đó thốt lên như vậy , và lại có tiếng vỗ tay).
Tiếng vỗ tay ban đầu thưa thớt , nhưng sau đó vang ầm như không ngớt
--- Thưa Cách Mạng . . . tui là Mụ Xoa. Ai ở đây cũng biết con mụ Xoa này ( vỗ tay ). Tui sống . . . hết hồi Tây , hồi " Dật / Nhật " ,. . . ( vỗ tay ). Tụi nó áp bức dân tộc ta , trong đó có tui . Tụi nó bóc lột dân tộc ta , trong đó có tui ( bà sụt sùi . vỗ tay 2 lần ).
--- Thưa Các mạng , . . . nhưng con mụ Xoa này chưa hề biết sợ thằng Tây , thằng " Dật " , thằng mô cả . ( vỗ tay 3 lân ).
--- . . . thôi đủ rồi Mệ ơi ! ( có một ai đó thốt lên như vậy , ngờ vực , khinh bỉ )
Chủ toạ buổi mit ting hôm nay là người miền Bắc mới về . Ông đứng dậy trấn áp quần chúng :
--- . . . Hãy để cho cụ ấy . . .triển- khai - tố -cáo - tội- ác -đế- quốc- phản động . Đồng bào giữ gìn trật tự . . .
--- Thưa cách mạng , chín năm kháng chiến chống Tây ,các anh em Cách mạng ta hồi nớ gian khổ biết chừng mô , tui khỏi nhắc ra đây .
Tới cái hồi các anh em Cách mạng đi Tập kết , tập kiết , vợ con các anh em Cách mạng ở lại miền nam ruột thịt này, khổ sở biết dường nào .
Cách mạng có biết chăng . . .! Khổ lắm . cực lắm . đói , khát lắm . Tội nghiệp ơi là tội nghiệp ( bà sụt sùi )
Vậy mà tụi Mỹ , tụi Nguỵ dâu có để cho yên . Đêm chúng hãm , ngày chúng hiếp . Chúng nó biến miền nam thành ổ điếm . ( vỗ tay không ngớt )
--- Đả đảo ! Đả đảo ! ( không hiểu quần chúng đả đảo ai , bà Xoa hay Mỹ Nguỵ . . .)
--- Đồng bào giữ trật tự cho cụ . . . tiếp tục . . . ( vỗ tay không ngớt )
Mấy thằng nhóc học trò cũ của tôi tiếp tục kể . Đứa thì giả dọng bà Xoa , đứa thì giả dọng Cách mạng . Không sai một ly một tí .
--- Tụi bây . . . phiạ . Bà ấy mà dám . . . ?
--- Thiệt đấy thầy . Bà Xoa . . . số dách mà thầy . . .
--- Bữa nào có hôi họp mit ting , tụi em đi thông báo cho bà . . . Có bà , là có tụi em . . .
Tôi vờ tỏ ý ngờ vực . Có đứa nói :
--- Mấy chả ( cách mạng) cũng thích nghe . . . bà Xoa . . . chứ bộ .
Lũ học trò quỷ quái cuối cùng cuả đời dạy học cuả tôi tường thuật tiếp :
--- Thầy biết không , sau khi nói . . . " chúng biến miền Nam thành ổ điếm' " một cách ngọt xợt , bà Xoa bồi thêm .
--- . . . vợ con các anh , ngày nhớ đêm thương các anh , mà các anh em cách mạng đâu có thấu . . .
---Còn vợ con cuả tụi Mỹ Nguỵ thì là . . . chỉ biết ăn hại đái nát . Hết son tô phấn diểm , thì nằm ngửa chờ chồng . . . Ngày bạc tối bài , hết xuống ngựa thì lên xe . . . ( có tiếng cười rúc rích)
---. . . vợ con các anh , mẹ cuả các anh , chị của các anh ,ối chao ôi ! Phải vào tận rừng sâu núi thẳm mà thăm chồng . . . Phải lặn ngòi ngoi nước mà nuôi con . Chưa hết đâu ! Các mẹ , các chi em nằm vùng bám trụ còn phải chịu biết bao nhiêu hòn tên mủi đạn , . . . ! Các mẹ , các chị em . . . bí mật đặc công . . .phải ăn sương uống gió , phải bán miệng nuôi trôn . . .( có tiếng cười . và tiếng vỗ tay không ngớt )
--- Thầy biết không ? Mấy cha nón cối cứ vểnh tai lên mà nghe kể khổ .Đâu có hiểu con mẹ gì . .Các đồng chí . . . đứng lên , vỗ tay tới tấp . . .
--- Thầy biết không . . . ? Còn . . .một bữa nọ . . .
--- Sao ? . . .
--- giữa buổi họp Tổ Phụ nữ , bà Xoa . . . phát biểu . . . xanh dờn .
--- xanh dờn ? Là sao . . .?
--- . . . bây giờ giải phóng . . .về , tui thấy cách mạng như vầy, sao mà sướng quá . . . Tự nhiên mà nhà cao cửa rông . Tự nhiên mà vàng thoi , bạc bó .
" Đây , như cái bà Chủ tịch phường ta đây này . . . Đây, như cái bà . . . Phó chủ tịch mặt trận tỉnh nhà . . . đây này . . . Đây , như bà Chín Sõi đây này . . .Hồi Mỹ nguỵ ra sao , bây giờ ra sao . Có nhắm đuôi con mắt lại cũng thấy . Khác quá , khác quá .
Đứa nào nói gian , trời không dung , đất không tha nó . Tui không nói gian đâu . Tui mà nói gian thì Cách mạng chém tui , giết tui . Cách mạng mà chém giết chi cái thứ con mẹ Xoa này . . . Mà dẫu có chém tui , tui cũng phải nói . Sợ gì mà không nói . Có mồm mà không cho nói , thì trời sinh cái mồm ra để làm chi ?
--- Thầy biết sao không . Tư nhiên bữa đó điện tắt hết cả thành phố. Cuộc họp giải tán.Khỏi sợ ai thấy ai ,các bà họp dân phố trên đường về tha hồ mà kháo chuyện Bà Xoa . . . chết chém . . .
--- Thầy biết không , một bữa . . .
* * *
*
--- Thôi . Tao lạy tụi bây . Tụi bây coi chừng . Không chết bà Xoa khỏi lửa , mà chết tụi bay , có ngày . Tao lạy tụi bây . . .
Bây chịu khó làm cháu ngoan , có ngày tao còn nhờ . . . Chứ cách này . . có ngày họ không để yên tụi bây . Còn như bà Xoa , bả thành tinh từ lâu rồi .
Chừng nào tụi bây thành tinh ,như bà Xoa thì . . .tụi bây mới không phải sợ . Có ngày . . . mất mạng.
--- . . . trước sau gì thì ai mà chẳng chết . . . Khỏi sợ đi , thầy ơi !
--- Cha chả ! triết lý dữ a . . .!
" Tụi bây biết không . . . Phận cuả tụi tao bây giờ " quê hương ruồng bỏ , giống nòi khinh khi " , " móng đâu xuống đất , cánh đâu lên trời" . . .
Tôi nói chưa dứt lời , đã có một thằng ghé vào tai nói nhỏ:
--- Bữa nào em học xong khoá Sĩ Quan Công an Biên phòng này , em ghé lại nhà thầy .Em dẫn thầy về ngoài đó với em . . .Thầy muốn , em gởi thầy đi . . . Dễ ợt .
--- Có đứa nào . . . cùng đi không ?
--- Đi làm chi thầy . Tụi em phải ở lại chớ thầy . . .
--- Sao bây biểu tao đi . . . Bây lại ở lại . . . ?
--- Lớp mấy thầy, già cả rồi . Nói ra hoá vô phép , hết thời rồi . Tụi em ở lại , sau này gặp thời làm lớn , làm người lớn , " Huậy Cho Đã " . . . chớ thầy .
*
* *
Viết tới đây , tôi bỗng thương nhớ mông lung .
. . . Nhớ đến cái điện Trường Bà ( ở Trà Bồng ) .
Mệ Xoa chắc chắn đã thành Tinh .
Chắc bà đã nhập vào cái điện thờ này .
Cái Bà Chằng ( Madame Francoise ). . sẽ ra chiêu thức nào , đố ai dám biết trước .
. . . Nhớ đến cái miếu Ông Quan Chiếu ( ở Tư Nghiã ) .
Nơi đó có Một Tảng Đá và Một Cây Chiêm Chiêm .
Cây Chiêm Chiêm sợ Trời Sụp , muốn chống cho Trời khỏi sụp .
Cái Hòn Đá , biết Trời Rách , muốn vá cho Trời lành lại .
Tranh hơn tranh thua . Chạy đua lên trời.
Dù muốn cứu ông Trời, ông Trời vẫn phạt .
Đến lúc nào đây thì đất đá cùng cỏ cây , cùng đứng lên mà cứu trời giúp người .
. . . Thương cái thế hệ trẻ nhỏ sinh sau mình. Ở Sàigòn, ở Huế, ở Hà nội, ở Nước ngoài? Ở đâu? Và nhớ đến cái Bà Xoa. Madame Francoise .
110
Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2005
Bà Xoa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét