Sau ba tháng, bụng cô gái đã nhô lên khỏi lần áo. Năm tháng đi đứng đã khó khăn. Tháng thứ tám chỉ còn nằm một chỗ. Một mình Đăm kiếm cá đổi gạo, một mình Đăm nấu nướng giặt giũ. Mà tên cô Đăm cũng không hỏi.
Năm ấy, đến độ tế thần Đầm trời vẫn còn rét đậm. Theo trí nhớ của Đăm, thì chưa năm nào đến giữa tháng ba mà còn giá thế. Sáng ra nhìn bên ngoài hơi giá bốc từ mặt đầm lên mù mịt, không thấy mặt trời, chừng trưa hơi hửng nắng, mới cảm thấy ấm đã sập lại, đêm càng rét dữ. Vạn chài đã kéo về nấp ven chân núi, người ta chỉ đi loanh quanh bờ kiếm chút cá tôm, không ra chài cả vạn nữa từ lâu. Nhưng đến lễ tế thần Đầm, thì lại kéo nhau ra ngoài vụng tế lễ. Mỗi khẩu mấy nghìn bạc, ngày thường đỡ nhau, nhưng lễ tế ai cũng muốn đóng góp công bằng, không xin không nợ ai.
Nhà Đăm có Đăm và mẹ già, mẹ ốm ba năm, Đăm có bao nhiêu thuốc thang hết cho mẹ bấy nhiêu, kiệt lực phải vay trùm vạn một suất. Mẹ Đăm giữa chừng cơn ho gượng dậy được, hỏi Đăm có dành đủ tiền lễ xong lên bờ bắt vợ không. Mẹ Đăm biết gần đất xa trời, chỉ muốn Đăm mau lấy được vợ. Trai như Đăm, ngót hai lăm, ở vạn này có một. Chăm chỉ, nhưng mà thật thà quá, con gái vạn hiếm hoi chẳng nhìn đến, lẽ thường đã phải lên bờ tìm vợ từ lâu, nhưng ngặt nỗi mẹ ốm Đăm lần khân mãi. Gái vạn chài đã không lên những vùng ven đầm, rập rình vài phiên chợ, có con gái nhà nào nghèo quá, hay sơ sểnh không cha không mẹ, may người ta thuận lòng về theo cùng. Đăm nói còn tiền, tế xong theo anh em trai vạn lên chợ phiên. Đăm nói thế, nhưng mà biết năm nay mình cũng không thể nào theo được anh em, rồi sang năm, sang năm nữa, không biết đến bao giờ... Đăm sinh ra đã lênh đênh mặt nước, theo cha mẹ sống bám lấy nước, rong ruổi qua nhiều miền sông nước, đến lúc nhập được vào các vạn chài vùng phá Tam Giang này thì cha chết. Đăm chín tuổi, lui cui thuyền nóp, đã biết chèo mủng câu cá tôm, lớn mười hai mười ba biết cùng trai tráng quăng chài, xuân hạ thu đông, chỉ biết có mặt đầm mà không mấy khi đặt chân lên đất. Ai còn có tuổi nào vui chơi, Đăm thì không, nhỏ lớn đều làm lụng đơn độc, không biết tình yêu, chưa chạm tay một cô gái, nhưng biết mong mỏi đời sống chồng vợ, chồng đầu tắt mặt tối, rời tấm lưới cung câu ngóng lên thuyền thấy vợ thổi nấu đầu mui, đàn con lít nhít sàn thuyền. Nhưng chưa biết chừng mẹ chết, Đăm rồi ra cô độc suốt đời.
Đăm không quen nghĩ, mẹ giục chuyện nhạy cảm buồn mất một lúc rồi kệ, không buồn nữa. Lễ tế, khi vạn chài đốt vàng hương rắc lễ cho thần Đầm, Đăm hò reo dữ nhất. Giá lạnh mà chàng ta chỉ quấn khố, phơi tấm thân trùi trũi đen bóng, hết lễ cúng lao đầu xuống nước mong được ăn lộc thần theo như giai thoại truyền nhau qua bao thế hệ dân chài. Trẻ tráng thấy Đăm nhộn, cười, đám ông bà già, đám con gái cười, nhìn Đăm như con nít ăn chưa no lo chưa tới. Đăm lội quẫy một lúc, đến vãn hết thuyền mới ngoi lên, thay cái khố, tự cời bếp than, tự nướng vỉ cá, sắc cho mẹ ấm thuốc, chưa ngủ đẫy giấc đã bừng mắt nghe sấm chớp rồi mưa nặng hạt như đã giữa vụ hè. Vạn chài tưng bừng, trời có sự lạ, thể nào cũng báo được mùa cá tới. Đàn bà mang lu chậu hứng nước, đám đàn ông tụ quanh mấy thuyền, rủ nhau uống rượu, uống xong say khật khưỡng hò mấy câu giọng líu cả lại. Đăm cũng vần hai cái lu hứng ít nước ngọt, ngồi nhìn những giọt mưa nhỏ từ mái nóp, rồi bươn bả lấy thúng đi. “Không ngủ còn đi con?” - người mẹ đau ốm cố hỏi thì thào. “Đi bữa nay, may ra được con cá lớn” - Đăm nói. Nhiều năm rồi đêm nào sau lễ tế thần Đầm Đăm cũng đi. Giấc mơ được con cá chủ đầm biết phù hộ cho kẻ nào diện kiến nó ăn vào trí chàng trai quá lứa vạn chài.
Người mẹ không dám nói, đó chỉ là câu chuyện bà thêu dệt kể cho con trai nghe như một nỗi hy vọng mơ hồ trong cuộc sống lênh đênh cơ cực. Tiếng thở dài của bà nghẹn trong cơn hen đã dâng tận cổ, nước mắt đẫm gò má hõm đứa con không thấy. Tiếng dầm của Đăm đã khua ngoài xa. Lẫn trong tiếng giọt mưa có tiếng ai đó hò não nuột, một cái đầu ló ra khỏi một mui thuyền, hỏi trong màn mưa mù mịt: “Ai?”. “Tui Đăm”. “Lại đi kiếm con cá chủ à Đăm?”. “Đi chớ, năm này tui không gặp nó thì không năm nào tui được gặp nó”. Đăm nói câu đó, như dăm năm trước Đăm đã nói, không phải ở vạn Thọ Xuân mà ở vạn trên, khi hai mẹ con còn ở trên đó. 150
Thứ Tư, 25 tháng 4, 2007
Cổ Tích Mới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét