Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

Ai người hẹn ngọc



I
Cuộc đời...!

Chàng Chung Văn Thái con của ông huyện hàm Chung Văn Công ở tại Gò Quao (thuộc về hạt Rạch Giá) năm nay chàng đặng 18 tuổi, học năm thứ ba ở trường Normal. Chung Văn Thái tánh nết hiền hậu vui vẻ, học trong trường thầy mến bạn ưa, ra đường có khuôn phép, hay thương kẻ nghèo hèn, hay giúp người thất nghiệp.

Ông Chung Văn Công năm nay tuổi độ năm mươi sáu, người ốm yếu, bà mất cách sáu năm nay, để lại ông một người con trai đáng quý là chàng Chung Văn Thái đó. Ông Chung Văn Công hồi còn trẻ có làm chức hương Cả trong quận Gò Quao, sau cáo lão nghỉ. Trong năm 1914 - 1918 ông có giúp tiền cho Chánh phủ Pháp đến hai chục ngàn đồng, nên khi Chánh phủ xét công ơn rất đáng nên ban chức Huyện hàm cho ông, thật vinh diệu thay.

Ngày 14 Juillet các trường đều bãi học (nghỉ hè), học sanh nam nữ lo thâu xếp đồ đạc đặng về thăm cha mẹ, viếng bà con, kẻ mua vật này người sắm vật nọ lăng xăng, Chung Văn Thái cũng xuống Chợ Cũ mua ít ký lô nho tươi và ít gói trà hoa cúc đem về cho cha. Chung Văn Thái hỏi người khách trú nho tươi bán bao nhiêu một ký lô, người khách trú nói ba đồng sáu một ký lô.

Chàng trả hai đồng rưởi, người khách kèo nài thêm ba cắc nữa, Văn Thái liền bảo cân ba ký lô, thoạt có tiếng nói sau lưng rằng:

- Thưa thầy, thầy mua lầm rồi, nho nầy mắc lắm chừng một đồng tư là nhiều, thầy muốn mua để em mua giùm cho.

Văn Thái day qua thấy một cô con gái mình mặc áo tiếm, quần trắng, đầu đội khăn màu hột gà, chơn đi giày cao gót, mặt trắng má bầu, chàng xem tướng mạo biết cô học ở Nữ Học Đường. Văn Thái mỉm cười nói rằng:

- Cám ơn cô, nếu cô không nói tôi mua lầm rồi.

- Thiệt vậy thầy à, khách thường trú hay thấy mấy thầy mua đồ ít hay trả giá nói thách cho cao đặng bán lợi cho nhiều.

Cô gái nói rồi đi lại quán khác trả mua có một đồng ba một ký lô, ba ký lô ba đồng chín. Văn Thái cám ơn rồi từ giã xách đồ về.

Sáng lối bốn giờ rưỡi Văn Thái dậy sắp đặt đồ rồi ra bến xe Rạch Giá đặng đi về nhà. Văn Thái đưa đồ lên xe xong thì có một cái xe kéo chạy lại trên xe một cô gái. Văn Thái xem kỹ là cô mua nho dùm chàng khi hôm. Văn Thái lấy làm lạ bước đến chào rằng: "Chào cô, cô cũng về Rạch Giá sao?".

- Thưa thầy, dạ em ở Long Mỹ, còn thầy cũng ở dưới phải không?

- Tôi ở Gò Quao.

- ủa, nếu vậy em cùng thầy ở một hạt mà không biết nhau.

Cả hai lên xe ngồi đâu mặt nhau, Văn Thái hỏi rằng: "Xin lỗi cô, cô ở tại chợ Long Mỹ hay là xa?"

- Dạ thưa em ở tại chợ, ông thân em là ông Hội đồng Trần Như Lân, còn danh hiệu em... thầy xem carte của em đây.

Cô vừa nói vừa mở bóp cầm tay đưa cho Văn Thái một tấm carte opaline, Văn Thái tiếp lấy xem có mấy hàng chữ như vầy:

Miss Trần Thị Loan Anh
2e Année Ecole des Jeunes Filles
SAIGON

Văn Thái xem rồi cười nói rằng:

- Cô con của bác Hội đồng mà tôi không biết, bác Hội đồng thường đến nhà tôi, và hay đi đá gà với ông thân tôi lắm.

- ủa, thầy nói chắc là bác Huyện phải hôn?

- Phải!

- ý, anh đây có phải Chung Văn Thái không?

- Phải.

Văn Thái nói phải xem sắc mặt cô Loan Anh có chiều e lệ. Đến đây cả hai sang qua việc học hành. Xe năm giờ sáng từ Sài Gòn chạy đến Long Mỹ bốn giờ chiều. Đến Long Mỹ, Loan Anh xuống xe từ giã Văn Thái rồi xuống đò qua chợ về nhà. Còn Văn Thái về đến Gò Quao lối năm giờ rưỡi.

Ông Chung Văn Công hôm nay ở nhà cũng trông con về, ông bảo mấy đứa ở bắt gà làm thịt nấu cà ri đặng Văn Thái về ăn. Văn Thái về đến nhà cha con tôi tớ xúm nhau mừng rỡ thật là vui vẻ. Văn Thái mừng cha xong đi đến bàn thờ mẹ thắp nhang lạy ba lạy, mặt buồn dàu dàu, còn ông Văn Công thì chảy nước mắt.

Văn Thái về ở nhà được hai tuần lễ, một hôm ông Văn Công kêu Văn Thái nói rằng:

- Con học còn một năm nữa ra trường, cha không cần thi đậu hay là rớt, cha cho con ăn học đặng biết làm người mà ở đời, chớ không phải cho ăn học đặng làm nô lệ cho cái bằng cấp. Con có trí chắc con không nghĩ như một vài hạng người mà con đã thấy họ đi con đường tối tăm kia... Này, mai nầy con đi cùng cha đặng coi vợ, con biết bác Hội đồng Trần Như Lân chớ, ảnh có một đứa con gái tên là Trần Thị Loan Anh hiện học tại Nữ Học Đường, hôm trước ảnh hứa gả con Loan Anh cho con, việc hôn nhơn này hồi mẹ con còn sanh tiền cũng có hứa với chị Hội đồng, lúc đó chúng bây còn nhỏ lắm.

Văn Thái lúc ban đầu nghe cha bảo đi nói vợ thì buồn, sau nghe nói cô Loan Anh lại vui vì chàng đã để ý rồi, Văn Thái cúi đầu dạ vâng lời.

Hôm sau ông Văn Công dắt Văn Thái đến nhà ông Hội đồng Lân, vợ chồng ông Hội đồng Lân rất vui vẻ, bà hội đồng tánh nết hiền đức, bà tên tộc là Nguyễn Thị út. Đôi bên gặp nhau chuyện trò một chập, ông Huyện nhắc việc hôn nhơn bà Hội đồng liền kêu Loan Anh bảo rót nước cho khách uống, kỳ thiệt bảo ra cho Văn Thái coi mắt.

Đôi bên đều bằng lòng kết sui gia, làm vợ chồng, nên tuần sau cậy ông cả Đức làm mai đến nói, hẹn khi đôi bên học mảng bốn năm khi ra trường sẽ cưới! Ông Huyện có mua cho dâu một đôi bông hột xoàn giá đến ba trăm hai.

Đến ngày tựu trường Văn Thái sửa soạn rồi từ giã ra ngã ba đón xe, khi xe chạy vô Long Mỹ, Văn Thái vái thầm cho Loan Anh đi một chuyến với chàng, dịp may xe vừa đến thấy Loan Anh đã chờ trước. Loan Anh lại lanh mắt thấy Văn Thái cúi đầu chào rồi kêu mấy người Contrôleur bảo để rương lên mui, còn Loan Anh phải ngồi kề bên Văn Thái, vì xe đã chen chật hết rồi.

Đôi bên ban đầu còn bợ ngợ, sau lại làm quen và yêu mến nhau lắm. Văn Thái hỏi:

- Em lên học, bữa chúa nhựt hoặc ngày lễ có ra trường không?

- Dạ có, chúa nhựt nào dì em cũng vô rước, anh biết dì em hôn?

- Không.

- Dì em là vợ của ông đốc Cẫn ở trong Normal, anh biết ông đốc Cẫn chớ.

- ủa, thầy của anh đa.

- Nhà ở đường Legrand de la Liraye số 962. Bữa chúa nhựt anh đến đó thì có em, mà anh cũng nên tỏ cho dượng em biết việc hôn nhơn thì mới để ra nhà.

Cả hai nói chuyện nầy qua việc nọ xe đã đến Sài Gòn, đồng cùng nhau xuống xe rồi chia tay kẻ vô Nữ Học Đường, người vào Normal.

Từ đây thường bữa chúa nhựt nào Văn Thái cũng đến nhà ông đốc Cẫn, mỗi lần đến thì gặp Loan Anh đã ra trường trước rồi, cả hai càng lân la nhau càng yêu mến nồng nàn nhau lắm, có bữa dắt nhau đi dạo vườn Bách Thú xem cỗ tàn - Viện Blanchard de la Brosse, có lúc xem chớp bóng Eden Cinéma hoặc ở Majestic.

Có một lần Văn Thái nói với Loan Anh rằng:

- Em Loan Anh, đôi ta thương nhau đây không phải theo hạng mèo mả gà đồng, mà là đôi bên cha mẹ khéo xe duyên cầm sắt, còn đôi ta từ ngày gần nhau, càng yêu vì nết càng say vì tình không rõ em có lòng thương anh thật chăng?

- Anh hỏi lạ, em cùng anh tuy chưa cưới hỏi nhau, song cũng tiếng vợ chồng, đã vào vòng chồng vợ không yêu làm sao mà ở đời được.

- Em à, cuộc đời thường hay có sự tai biến lạ lùng, rủi khi anh gặp hồi hoạn nạn khốn khó, chừng đó em có đoái đến anh không?

- Anh sao khéo lo những việc bao đồng, mà dầu anh có gặp lúc suy sụp thì em đây cũng quyết phận gái chữ tòng, đắng cay đồng chịu, há sờn lòng nhi nữ đâu. Chết đồng chết với nhau, sống đồng sống cùng nhau, vui chung vui với bạn, buồn chung buồn với phu quân ấy là phận làm vợ.

Văn Thái nghe Loan Anh nói chàng cảm động không cùng, cầm tay Loan Anh và nói:

- Nếu được như lời anh đây thật là người có phước lắm.

*
* *

Năm 19... quan Chánh Tham biện ở Rạch Giá trát cho nhân dân hay miếng rừng từ Sóc Ven chạy đến Đường Xuồng ai có đủ sức khai phá thì khẩn. Ông Chung Văn Công nghĩ tiền bạc cũng còn nhiều nếu để nằm tủ vô ích, chi bằng khẩn đất khai phá thành ruộng sau con nó nhờ, ông nghĩ thế liền khẩn hai ngàn mẫu, rồi xuất tiền mướn nhơn công đốn cây hạ gốc, công cuộc làm ăn thật lớn, ông thiếu tiền phải đến mượn của ông Hội đồng hai chục ngàn đồng hẹn mùa lúa tới góp lúa sẽ trả. Sự đâu tai biến bất ngờ, ông vừa hạ hết cây thì nước tràn lên khỏi đầu gối, nội vùng Gò Quao đến Ngã Năm làm cho lúa mới trổ đòng bị nước ngập thúi gốc chết hết. Đến mùa lúa ông Chung Văn Công không thâu đặng một giạ nào. Không phải một mình ông mà thôi, cho đến các điền chủ khác cũng khoanh tay chịu nghèo, song họ dễ thở là mới thất có một mùa thứ nhứt. Còn ông Chung Văn Công đã tốn trót tám chín chục ngàn khai phá đồn điền lại bị thất luôn làm cho ông thất chí sanh buồn, bởi vậy nên ông sanh bịnh.

Một hôm ông Hội đồng đến thăm thấy ông Văn Công nằm trầm trọng, ông Hội đồng rằng:

- Tôi biết ý anh vì công việc lở dở nửa chừng nên anh buồn, nếu không làm thì thôi, còn làm thì đi cho đến nơi đến chốn, kẻo để thiên hạ họ cười mình không đủ sức. Anh cũng nên lên Banque thế bán khoán vay ít chục ngàn đặng cho tá điền nó vay sửa sang ruộng nương lại, và khai phá cho thành khoảnh đồn điền của anh.

Ông Văn Công nghe ông Hội đồng Lân nói ông cả mừng, liền chịu thế bán khoán đất vay bạc. Té ra mùa tới cũng thất luôn, đúng kỳ hẹn Banque đòi ông không có trả, Banque đưa Thầy Kiện làm phát mãi cả nhà cửa điền sản của ông Văn Công. Ông phải lên Định Tường ở đậu nhà người em chú bác là Hương thân Thanh.

Năm nay Văn Thái đã được bốn năm trong trường Normal (4è Année) gần kỳ thi tốt nghiệp, thình lình chàng được một bức thơ của cha chàng lật đật xé ra xem có mấy hàng chữ như vầy:

"Con Văn Thái,

Nhà cửa tiêu tan, gia tài đi sạch, cũng bởi tai hoạ tự trời mà ra, con mau về lo công việc, kẻo cha buồn rầu ắt không thấy mặt con nay mai.

Hiện thời cha ngụ nơi nhà chú Thanh của con.

Ký tên: Văn Công"

Văn Thái xem rồi hỡi ôi! Chàng lật đật xin thôi học và tỏ hết việc cho thầy bề trên biết, ai ai cũng thương Văn Thái, cả đến anh em bạn học đều đưa chàng bằng giọt nước mắt thương tâm. Chàng về đến nhà chú Hương thân Thanh vào nhà cha con gặp nhau chỉ khóc mà thôi. Cách không mấy ngày ông Văn Công buồn rầu sanh bịnh, Văn Thái khi còn học chàng tằn tiện lắm, mỗi khi cha gởi tiền cho, chàng xài chút ít còn bao nhiêu để dành, bởi vậy trong 4 năm ở trường chàng dư được năm trăm ba mươi hai đồng, nhờ số tiền đó chàng mới có lo chạy thuốc men cho cha, ông Văn Thái bịnh trở đi trở lại trót nửa tháng trời rồi mới qua đời.

Ông Hội đồng Lân hay tin có đến đi điếu hai chục đồng bạc rồi về liền chớ không ở uống nước hoặc dùng cơm.

Văn Thái còn được ba trăm lo chôn cất cha xong, chàng buồn liền từ giã chú lên Sài Gòn kiếm công việc làm.

II
Thất chí - buồn tình

Văn Thái tuy nhỏ tuổi song cũng biết chút ít thế thái nhơn tình, vì chàng có đọc nhiều sách lắm, chàng thấy cách lạt lẽo của cha vợ thì đủ rõ nguội lạnh rồi, nên chàng không muốn ở tại xứ sở và đến e khi có điều không tốt, chàng nghĩ lại còn có một tấm lòng son sắt của Loan Anh mà thôi. Chàng lên Sài Gòn xin làm ở hãng bán hột xoàn là hãng: "Mai - Lê & Cie" ông chủ hãng là ông Lê Trung Trực biết thương kẻ mắc tai nạn lắm. Văn Thái làm Comptable lương bổng mỗi tháng đặng sáu chục đồng.

Từ ngày chàng lên Sài Gòn làm việc đến nay được bốn tháng, chàng có ý đón Loan Anh song không gặp, có lẽ tại chàng không muốn đến nhà ông đốc Cẫn, còn Loan Anh ít hay đi đâu chăng?

Năm nay Loan Anh cũng còn có một năm chót ra trường.

Một hôm, nhằm ngày chúa nhựt, lại đầu tháng, Văn Thái dậy sớm tính ra Salle de vente mua một cái tủ đứng về đựng quần áo. Chàng đi đến ngạn Xã Tây gặp ông Hội đồng Lân đi với một người thanh niên mặc đồ xẹt xám. Văn Thái cúi đầu chào rằng:

- Thưa cha mới lên.

Ông Hội đồng Lân gật đầu rồi hỏi:

- Thầy hai, bây giờ thầy làm việc chi ở trên này?

- Dạ thưa con làm ở hãng "Mai - Lê & Cie".

- Lương có đủ xài không?

- Thưa mỗi tháng được sáu chục, đủ xài.

Người thanh niên đi với ông Hội đồng Lân trề môi nói rằng:

- Thứ sáu chục đồng mà xài nỗi gì cho đến một tháng lận, tôi đi chơi điếm một đêm còn hơn.

Văn Thái không quen biết với người này lần nào, mà thình lình nghe nói mấy lời khi thị ấy thì chịu không nổi. Văn Thái liền nói rằng:

- Thầy giàu thì thầy ăn xài lãng phí trối kệ thầy sao thầy tự phụ và khi bạc người thái quá vậy.

Ông Hội đồng Lân binh người trai ấy nói với Văn Thái rằng:

- Thầy hai, thầy không kể tôi là gì nên nói cách vô lễ ấy, ai có động chạm tới thầy đâu mà.

Người trai đi với ông Hội đồng nói:

- Thằng chó chết, đồ làm tôi tớ cho người ta mà làm phách, động đến tao thì tao đập bể đầu cho mà biết mặt.

Văn Thái nghe nói nổi giận cung tay thoi vào mặt người trai ấy một thoi, người trai ấy cũng thoi lại, kế mấy thầy đi ngang qua xúm lại can ra và hỏi thăm tự sự. Văn Thái liền tỏ hết cho mấy thầy nghe, thoạt có người mặc đồ âu phục nỉ, đầu đội nón Borsalino, tay xách ba ton chen vô đánh trên đầu người trai đi với ông Hội đồng Lân một ba ton và mắng rằng:

- Tôi cho thầy một bài học, đừng có khi dễ người ta, chính tôi đây hay khi dễ những đứa vô lương tâm như thầy vậy.

Người trai ấy móc súng sáu ra muốn bắn, người mặc đồ nỉ nạt rằng:

- Thầy để cây súng xuống đất cho mau.

Người trai ấy riu ríu để cây súng xuống. Người mặc đồ nỉ bảo thầy quỳ gối khoanh tay lại. Người trai ấy cũng vâng theo.

Bây giờ xem rõ người mặc đồ nỉ là ông chủ hãng "Mai - Lê & Cie" là ông Lê Trung Trực. Còn người trai đi với ông Hội đồng là ai? Tên gì? ấy là Paul Lê Văn Khã, ở tại Bạc Liêu, người ta thường kêu là công tử Khã, hoặc cậu hai Khã, hay Paul Khã (dân tây).

Ông Hội đồng Lân đã gả Loan Anh cho Paul Khã rồi, còn lối năm tháng nữa sẽ cưới.

Nhắc lại ông Lê Trung Trực dùng thôi miên thuật bảo Paul Khã quỳ, ông chỉ ngay mặt mắng rằng:

- Thật thầy là loài thú vật chớ không phải người ta, thầy không biết thương kẻ đồng loại với thầy, lại dùng nhiều tiếng khi thị người ta thua một con đĩ, tội của thầy thật không còn chỗ nào hạn chế được, xã hội không dung thầy đâu. Tôi phụ thuộc vào có hai lẽ, một vì thầy là con vi trùng hôi thối của xã hội, tôi rửa dùm cho thầy, hai nữa thầy nhè người làm việc yêu mến của tôi thầy khi, sáu chục bạc lương của tôi phát không bằng thầy chơi điếm một đêm. Tiếng nói thật là ngu dại hết sức, sao thầy không nghĩ tiên tổ ông bà cha mẹ của thầy làm đổ mồ hôi xót con mắt, bán sanh bán tử đặng để lại cho thầy chơi điếm phải chăng? Tôi xem tướng mạo của thầy thật là một đứa đoản hậu của xã hội, sau nầy thầy không làm gì nên thân nên tôi tha thứ cho. Thôi đi đi.

Mấy lời nói của ông Lê Trung Trực làm cho mấy thầy đứng xung quanh vỗ tay lốp bốp như khen một vị Bác sĩ diễn thuyết phát minh được một món gì vậy. Còn ông Hội đồng Lân và Paul Khã nghe ông Trung Trực bảo đi thì đi mới đặng, cả hai hổ thẹn đi mất. Ông Trung Trực, Văn Thái cùng mấy thầy cũng giải tán.

Văn Thái tính đi mua tủ mà gặp việc gây gổ giữa đường làm cho chàng buồn lòng liền trở về. Lần lựa trót hai tuần lễ Văn Thái có ý kiếm giáp mặt Loan Anh đặng tỏ đôi lời. Một hôm nhằm ngày lễ ông Doumergue được bầu cử lên ngôi Tổng thống Pháp đình, Văn Thái được nghỉ một bữa, chàng thay đồ vào vườn Bách thú đặng đón Loan Anh. May sao chàng vừa đến chỗ hầm nuôi gấu, thấy Loan Anh đứng với cô ba Tuyết Lệ con của ông Đốc phủ Hoàng Ngọc Diệp, cô Tuyết Lệ học một lớp với Loan Anh và nhà ở gần ông đốc học Cẫn nên hai người thường lân la yêu mến nhau lắm. Cô ba Tuyết Lệ thấy Văn Thái liền kêu Loan Anh nói rằng:

- ý, anh hai kìa chị hai, cha chã mấy tháng nay sao ảnh không lại nhà bác đốc học chơi?

(Tuyết Lệ biết Văn Thái là vì trước Văn Thái hay lại nhà ông đốc Cẫn là dượng của Loan Anh và thường đi chơi với Loan Anh. Có một hai khi Tuyết Lệ cũng đi theo nữa).

Văn Thái nghe Tuyết Lệ hỏi chàng tỏ sắc buồn đáp rằng:

- Mấy tháng nay tôi có việc nhà nên không đi đâu được hết.

- Bác có mạnh hôn anh?

- Cám ơn cô ba, ông thân tôi đã qua đời cách ba bốn tháng nay.

- Huý...

Cả hai nói chuyện, còn Loan Anh ngó chỗ khác không hỏi điều chi hết, cho đến đổi nghe Văn Thái nói cha chết nàng cũng điềm nhiên. Văn Thái thấy cử chỉ của Loan Anh chàng cũng bất nhẫn trong lòng, mà Tuyết Lệ cũng dòm Loan Anh và lấy làm lạ cho nàng lắm. Bây giờ Loan Anh hỏi rằng:

- Anh đi đâu đây?

- Đi chơi.

- Anh thong thả dữ chớ, cha tôi có bảo tôi kiếm anh nhắc số tiền hai chục ngàn của bác mượn của cha tôi năm ngoái, anh phải trả lời cho cha tôi biết trả hay là không trả thì cha tôi không ăn lời, còn như không trả thì phải đến giáp mặt cha tôi xin một tiếng cha tôi cho liền.

Văn Thái nghe nói dường như ai cầm dao đâm vào dạ, mấy tiếng của Loan Anh vừa thoáng qua tai chàng, làm cho chàng vừa buồn vừa thẹn. Văn Thái vừa muốn trả lời thoạt Tuyết Lệ từ giã rằng:

- Em xin kiếu anh chị, sao thình lình nó bắt chóng mặt quá.

Tuyết Lệ nói rồi kêu xe kéo bắt chạy về. Tuyết Lệ đi rồi Văn Thái nói với Loan Anh rằng:

- Số tiền cô nói đó tôi không hay, vì khi ấy tôi còn học, việc nhà của tôi suy sụp cha tôi không cho tôi hay, để cho đến khoa học mất hết gia tài cha tôi thọ bịnh ở nhà người chú bà con, khi ấy mới gởi thơ cho tôi biết, tôi về gặp cha tôi đau trầm trọng kế mất...

- Bộ tính giựt của người ta sao chớ...

- Cô hai, xin cô nhẹ tiếng lại một chút, không phải tôi chạy chối rằng cha tôi không có mượn, tôi nói là tỏ ý cho cô biết cha tôi bị thất chí sanh bịnh nên nói cho tôi hay không kịp. Còn tôi bây giờ nghèo lắm. Song cũng phải làm thế nào có số bạc trả cho bác, chớ lẽ nào để cho cha tôi còn mang nợ ở dương gian sao đành.

- Thầy đi làm cho người ta mỗi tháng có mấy chục bạc lương làm sao mà trả? Thôi thầy phải đến năn nỉ với cha tôi, chớ tôi không cần biết việc lôi thôi nầy, xin kiếu thầy.

Loan Anh nói rồi ngoe ngoải bỏ đi, Văn Thái đứng ngó theo mà hai hàng nước mắt chảy ướt má. Chàng ngó khi Loan Anh đi khuất dạng mới lần bước trở về, trọn ngày nay mấy tiếng nói bạc bẽo của Loan Anh cứ văng vẳng bên tai chàng hoài, và làm cho chàng biếng ăn biếng ngủ.

III
Lại còn cuộc đời nữa

Ai là người rõ biết cuộc đời thì người ấy đã từng dạn gió dày sương nhuộm màu nâu sạm, đã từng lên bãi xuống gành vào sanh ra tử. Còn Văn Thái đây tuổi còn ấu xuân niên thiếu, có đọc được ba quyển sách đời, song cuộc phong ba chưa trải, nay thình lình gia biến bất kỳ, thói đời đen bạc thinh không làm chàng bầm gan tím ruột.

Trọn hai tháng sau Văn Thái tiếp được gần mười cái thơ của ông Hội đồng Lân gởi đòi tiền, chàng viết thơ năn nỉ. Bức thơ chót ông Hội đồng Lân lại đòi mướn kiện bắt giam thâu. Văn Thái buồn rầu chất chứa một hôm chàng đi làm việc về thay đồ xong đóng cửa ra đi, chàng lên vườn thú kiếm một cái băng khuất tịch ngồi mặt buồn dàu dàu, thỉnh thoảng thở ra một hơi dài rồi đôi giọt nước mắt đua nhau chảy xuống má. Thoạt chàng đứng dậy nói lên rằng:

- Thôi, còn sống mà làm chi nữa...

Chàng vừa nói vừa thọc tay vào túi lấy ra một con dao nhỏ toan đâm vào họng, thoạt có người nắm tay kéo lại nói rằng:

- Khoan, việc gì mà phải chết a anh hai.

Văn Thái giựt mình buông con dao dòm thấy cô ba Tuyết Lệ và đứa em trai cô là Hoàng Hồng Anh, tuổi lối mười hai. Văn Thái thấy Tuyết Lệ chàng hổ thẹn lắm, song gắng gượng nói rằng:

- Cô ba ôi! Tôi thật là một đứa vô ích cho xã hội, thà chết cho mát thân, chớ sống làm chi thêm một đứa vô tri vô giác trong xứ nầy nữa.

- Anh nói lạ, tại sao mà anh tự ái em cũng rõ rồi. Anh đừng buồn rầu mà làm chi, em gặp hoàn cảnh như anh vậy em không buồn mà vui, vui vì được một bài học xã hội luận, có giống bạc tình phụ nghĩa, ham sang phụ khó, mới rõ những người trọn tiết trọng tài, có người dở mới đỡ người hay, mà ở đời những loài vô nhơn đạo mà ta còn kể chúng nó ra gì. Anh không nghĩ đến mà mừng, anh cưới vợ chắc anh lo chọn hiền đức, biết yêu chồng thương con, nếu chí anh như vậy thì nên mừng, phải chi anh còn giàu có, anh sẽ cười lầm một người vợ vô nhơn đạo là cô Loan Anh kia rồi. Buồn mà chi, sầu mà chi, cái giống người ấy nó đâu có mãnh lực gì cho một đấng mày râu như anh phải tự tử. Nếu nói rằng vì gia biến hoá nghèo mà buồn, song lẽ đó lại càng phi lý lắm. ở đời mỗi người phải cần của phụ ấm, thì cái xứ sở đó phải tiêu diệt đi còn gì, ta làm người đừng ỷ lại vào ai cả, hai bàn tay trắng đủ tự lập nên sự nghiệp, sự nghiệp đó là sự nghiệp danh dự, đó là cái huy chương lộng lẫy của mình vậy. Em xin khuyên anh.

Văn Thái nghe mấy lời nói của Tuyết Lệ dường như một ánh sáng mới thoát qua trước mắt bao nhiêu những sa mù đều tiêu tan mất cả, chàng ngó Tuyết Lệ tạ ơn rằng:

- Đa tạ ơn lòng hạ cố, tôi đã quấy rồi thôi từ đây không vì một sự nhỏ mà phế cái công to sẽ bước đến. Cô ba, cô thật là ân sư của tôi đó.

- Em đâu dám... xin anh đừng buồn làm chi vô ích anh.

Đến đây trời đã tối đôi bên từ giã, ai về nhà nấy.

Từ đấy Văn Thái quên hết sự buồn, gắng làm việc và tiện tặn đặng lo cơ nghiệp về sau.

*
* *

Xung quanh những nước non nhà Trời Nam đất Việt quê ta xứ mình.

Cũng một buổi chiều, cũng trong vườn bách thú cũng tại cái băng xanh, cũng dưới cội tùng, mà cũng vẫn nơi Văn Thái toan quyên sinh rồi giác ngộ khi trước. Mà hôm nay cũng phong cảnh đó, trời đất này lại có một nàng con gái xuân xanh sắc sảo đang ngồi âu sầu buồn bực, tay cầm một bức thơ đọc rồi khóc, khóc rồi đọc, một bên nàng có một con chó nằm khoanh mặt cũng buồn giùm cho chủ nó vậy. Nàng ấy lấy khăn mouchoir chậm nước mắt rồi mở mảnh giấy đọc nho nhỏ lại rằng:

"Gởi cô Tuyết Lệ.

Thưa cô, tôi cùng cô trót yêu nhau đã năm sáu năm rồi, khi tôi sang Pháp du học có hứa thành tài về tỏ lại cho cha tôi rõ đặng cưới cô, nào dè khi về cha tôi đã có nói vợ cho tôi rồi. Bổn phận tôi làm con không lẽ cãi lời, vậy tôi gởi thơ này cho cô hay, hãy tiềm nơi hiền đức mà trao thân. Còn duyên của tôi cùng cô không còn gặp đặng nữa.

Đôi lời cho cô rõ.
Ký tên: Docteur Đắc Kế"

Cô Tuyết Lệ xem bức thơ rồi úp mắt dựa băng mà khóc. Cô ngồi đến chín giờ tối thấy vắng người lai vãng liền thò tay vào túi lấy ra một sợi dây bằng bốn sợi dây lưng nối lại, đi lại một nhành cây vói cột sợi dây rồi toan tròng vào cổ, thoạt con chó nhảy lại cắn ống quần cô lôi lại và tru cách thảm thiết. Tuyết Lệ thấy con chó Mi-nô còn biết yêu chủ mến tình, nàng khóc và nói rằng:

- Mi-nô ôi! Mi còn cản làm chi, để cho ta chết. Cha mẹ ôi! Con cam bất hiếu từ đây... thôi thôi!

Tuyết Lệ nói đến đây đút đầu vào vòng, con chó Mi-nô cắn quần trì và tru rất giữ, bây giờ có một người mặc âu phục chạy đến nắm tay Tuyết Lệ và gỡ xuống nói rằng:

- Khoan, việc gì mà phải tự tử vậy cô ba?

Tuyết Lệ mở mắt thấy Văn Thái nàng dùng một cái mạnh đứng xích ra nói rằng:

- Phải rồi, nào hay đâu tôi cùng anh...!

Văn Thái nghe nói lấy làm lạ đứng ngó sững. Tuyết Lệ bước lại kéo tay Văn Thái nói rằng:

- Chắc anh nghe em nói anh lấy làm lạ lắm phải hôn? Anh lại ngồi đằng băng cùng em rồi em sẽ tỏ hết cho anh nghe.

Văn Thái không nói lời gì, cứ đi theo Tuyết Lệ đến băng cả hai ngồi xuống rồi, Tuyết Lệ nói rằng:

- Xưa em gặp anh muốn tự tử em cứu cấp và phân những lời rất phải làm cho đến đỗi anh là người học thức rộng mà phải nghe theo và giác ngộ. Còn hôm nay em đi tự tử đây cũng lâm vào cái cảnh như anh vậy, nào dè anh kịp đến mà em vừa thấy anh lại sực nghĩ mấy lời trước rồi kịp tỉnh ngộ. Anh ôi! Anh cũng bị kẻ bội nghĩa, em gặp đứa phụ tình. Hai ta coi đời là nguội lạnh... Thôi thôi thiên ngôn vạn ngữ bất quá hồi thiệt, nếu anh chẳng chê em xin cùng nhau kết nghĩa trăm năm, vì ông lang trị bịnh Thầy Thuốc thật là quý, anh có bằng lòng không?

Đoạn nàng thuật hết việc nàng cho Văn Thái nghe. Văn Thái cũng cảm động và giận Docteur Đắc Kế lắm. Chàng ngó Tuyết Lệ đáp:

- Có chi hân hạnh bằng đài gương soi đến dấu bèo, song biết người trên có vui lòng ưng thuận không?

- Cha và mẹ em thương anh lắm, hằng tiếc anh hoài, em trộm nghe cha mẹ ước rằng phải chi anh sớm nói em thì cha mẹ em bao bọc anh cho đến cùng. Anh cứ cậy mai đến nói thì xong, nếu anh cậy được ông Lê Trung Trực hoặc bà Mai Tuyết Trinh thì tốt lắm.

Văn Thái cả mừng hứa chịu. Cả hai hẹn xong từ giã ra về.

Ba tháng sau một cái đám cưới tại Sài Gòn, ông Lê Trung Trực đứng làm chủ hôn và xuất tiền làm đám cưới rất long trọng, ấy là Văn Thái cưới Tuyết Lệ vậy.

Văn Thái cưới Tuyết Lệ xong, ông đốc Hoàng Ngọc Diệp cho tiền lập ra một cái tiệm bán đồ hàng vẽ tại đường Catinat một ngày một tấn phát.

Một hôm Văn Thái đang ngồi đếm tiền thoạt nghe tiếng la ó ngoài cửa tiệm, chàng thấy lạ đồng cùng vợ là Tuyết Lệ bước ra xem, thấy một người thanh niên mặc đồ tây bố trắng đang cung tay thoi lia lịa vào mặt một người đàn bà có chửa. Văn Thái thấy vậy trái mắt liền ra can ra, anh thanh niên thấy Văn Thái can thôi đánh rồi nói rằng:

- Ông nghĩ thử coi, vợ gì khốn nạn quá vậy, nó cứ theo mắng chưởi tôi hoài.

Người đàn bà nói:

- Vậy chớ mày cờ bạc cho gia tài tiêu sạch, lại làm giấy nợ giả hại cho cha tao bị tịch biên nhà cửa và bị giam thâu tao không chưởi mày sao đặng.

- Thằng cha mày vay tiền chà chớ tao sao? Mày nói nữa tao đánh chết cha cho biết mặt, đừng có ong óng họng, giữ hồn đa.

Thoạt nghe cô Tuyết Lệ nói rằng:

- ủa, chị có phải chị Loan Anh không?

Loan Anh và Paul Khã mắc lo gây nhau không nhìn rõ ai hết, khi nghe hỏi là hai người dòm thấy Văn Thái và Tuyết Lệ đứng gần nhau, Tuyết Lệ níu tay Văn Thái vừa hỏi mấy lời, làm cho cả hai hổ thẹn lắm.

Loan Anh gắng gượng đáp rằng:

- Dạ thưa phải, cô ở đây sao cô ba?

- Phải vợ chồng tôi lập tiệm đây.

Văn Thái nói:

- Thôi, việc vợ chồng lâu dài, người nhịn một chút tốt hơn. Xin mời thầy cô vào tiệm nghỉ và tôi có việc hỏi thăm.

Cả hai ríu ríu theo Văn Thái vào tiệm, Văn Thái và Tuyết Lệ mời ngồi rồi hỏi thăm việc nhà. Té ra Loan Anh thuật hết đầu đuôi tại Paul Khã xài phá gia tài hết sạch, mẹ nàng buồn rầu chết, Paul Khã lại rước thầy ngải bỏ cho ông Hội đồng Lân lên hỏi bạc chà hai chỗ, một chỗ năm chục ngàn, một chỗ ba chục ngàn. Chỗ năm chục ngàn đã kiện tịch biên gia sản, còn chỗ ba chục ngàn kiện giam thâu ông Hội đồng Lân. Văn Thái nghe nói ngó Tuyết Lệ nói rằng:

- Xưa cha tôi mất, ông Hội đồng và cô hai đây gặp tôi, nói cha tôi có mượn hai chục ngàn trót mấy năm nay, vậy mình cũng nên vui lòng cho tôi trả lại lời vốn ba chục ngàn cho cô hai đây trả nợ và chuộc cha cổ ra, mình nghĩ sao?

Tuyết Lệ cười rằng:

- Xưa rày tôi muốn nhắc mình việc đó, song thấy mình mắc lo công việc gởi thơ bên Tây mua hàng tôi sợ mình mệt nên chưa dám tỏ. Hôm nay sẵn đây mình cũng nên trả nợ đời cho rồi.

Tuyết Lệ nói dứt lời lấy chìa khoá đi lên lầu mở tủ sắt lấy xuống một nắm giấy săng và nói rằng:

- Còn có hai mươi bảy ngàn trong tủ, để tôi qua tiệm ông Bernard mượn đỡ ba ngàn về nhập đủ ba chục ngàn trao cho Loan Anh.

Loan Anh và Paul Khã cám ơn và cúi đầu chào cách cung kính rồi lui gót.

Paul Khã và Loan Anh đi rồi thì Tuyết Lệ ngó Văn Thái cách thương yêu nói rằng:

"Ai người hẹn ngọc" mà không nên đôi lứa, riêng tôi mình lại đặng phước trời cho thật là vui vẻ, phải hôn mình!

Văn Thái gật đầu cười một cách toại chí vô cùng.
122

0 nhận xét:

Đăng nhận xét